Cần quy định cụ thể loại thuốc kinh doanh thương mại điện tử
Cần quy định cụ thể về các loại thuốc được kinh doanh, các hình thức kinh doanh được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc. Trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 43 điều, trong đó, sửa đổi 40 điều, bổ sung 3 điều, bãi bỏ 4 điểm và 2 khoản. Trong đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách phát triển công nghiệp dược. Cụ thể, sửa đổi một số nội dung quy định nhằm khuyến khích, ưu đãi cho các cơ sở sản xuất trong nước, khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam nguyên liệu làm thuốc, thuốc generic hoặc thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, vắc xin, sinh phẩm, thuốc ứng dụng công nghệ cao, thuốc sản xuất từ nguồn dược liệu Việt Nam và rút ngắn trình tự thủ tục cấp phép lưu hành đối với các thuốc này; mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc có vốn đầu tư nước ngoài.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất giữa các nhận định trong Tờ trình và các Báo cáo tổng kết, Báo cáo đánh giá tác động, bảo đảm sự thống nhất của quy định trong hệ thống pháp luật, với cam kết quốc tế nhưng cũng cần thể hiện tính đặc thù một cách phù hợp.
Về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các chính sách về ưu đãi phát triển công nghiệp dược còn chung chung và mang tính nguyên tắc. Do đó đề nghị Chính phủ cần làm rõ những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sớm có giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, nhất là trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư để đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất dược liệu, sản xuất thuốc, vaccine trong nước trong giai đoạn tới và cụ thể hóa hơn nữa chính sách “tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành”, “ưu tiên về trình tự, thủ tục” trong dự thảo Luật.
Về bổ sung quy định về các hình thức, phương thức kinh doanh mới, dự thảo Luật bổ sung quy định kinh doanh chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc bổ sung này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đề nghị làm rõ nội hàm “kinh doanh chuỗi nhà thuốc”, cụ thể hơn các quy định điều kiện thành lập, cách thức hoạt động, cơ chế quản lý để có căn cứ xem xét, bảo đảm tính khả thi và tính đồng thuận.
Đối với kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, cần quy định cụ thể hơn về các loại thuốc được kinh doanh, các hình thức kinh doanh được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Nếu quy định bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử, thì chỉ nên áp dụng với thuốc không kê đơn. Bên cạnh đó, cần rà soát quy định về thương mại điện tử để bảo đảm phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự án Luật được chuẩn bị công phu nghiêm túc, số chương sửa đổi chiếm 57%, số điều sửa đổi chiếm tới 37% tỷ lệ số điều, nên quy mô sửa đổi Luật là lớn và sâu sắc.
Nhấn mạnh chính sách triển công nghiệp dược đa số thuốc thông thường sản xuất được nhưng 90% nguyên liệu sản xuất thuốc lại phải nhập khẩu. Còn thuốc đặc trị thiết yếu đa số phải nhập khẩu. Phát triển ngành công nghiệp dược cần qua tâm để không chỉ chăm lo sức khỏe người dân mà còn có chính sách thúc đẩy để phát triển vì tiềm năng của chúng ta rất lớn, giỏi, các thuốc thông thường sản xuất được hết, giá cả cũng phải chăng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần quan tâm tới phát triển ngành công nghiệp dược, các chính sách cơ chế mua sắm thuốc, chú trọng vaccine, sinh phẩm y tế, nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc từ sinh phẩm sinh học.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội cần có chính sách ưu đãi với sản phẩm đầu ra của các cơ sở sản xuất thuốc trong nước. 90% nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu, vì thế nên chăng cần có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc. Vì thuế nhập khẩu nguyên liệu cao thì khiến giá thuốc cao, khó cạnh tranh, và ảnh hưởng đến người dân.