Cần một lộ trình để chuyển đổi kinh tế ĐBSCL

ĐBSCL dù đang cung cấp 50% sản lượng gạo tiêu thụ trong cả nước, 95% lượng gạo xuất khẩu, sản lượng nuôi trồng thủy sản 65% và trái cây là 70% nhưng nơi này đang tụt hậu nhanh so với cả nước, điều này đặt ra nhu cầu cấp bách hình thành một lộ trình rõ rệt cho việc chuyển đổi nền kinh tế khu vực.

Sự quá lệ thuộc vào đất đai và chậm đổi mới kỹ thuật đã đặt ra những thách thức cho sự phát triển kinh tế – xã hội ĐBSCL.Trong ảnh: Sạ lúa mùa nước nổi ở Long An.Ảnh: N.K

Sự quá lệ thuộc vào đất đai và chậm đổi mới kỹ thuật đã đặt ra những thách thức cho sự phát triển kinh tế – xã hội ĐBSCL.Trong ảnh: Sạ lúa mùa nước nổi ở Long An.Ảnh: N.K

Kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn dựa vào đất đai (land-based economy) nhưng sự quá lệ thuộc vào đất đai và chậm đổi mới kỹ thuật đã đặt ra những thách thức cho sự phát triển kinh tế – xã hội nơi đây. Nhất là khi vùng hạ lưu châu thổ này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tình trạng biến đổi khí hậu và tác động tai hại của các công trình thượng nguồn, chưa nói đến kênh đào Funan Techo chuẩn bị khởi công.

Trên thực tế, một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi về môi trường và các áp lực kinh tế – xã hội. ĐBSCL tụt hậu so với mức trung bình cả nước về nhiều chỉ số phát triển trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, từ trình độ học vấn đến điều kiện nhà ở, như đã được đề cập chi tiết trong hai bản Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 và năm 2022 do VCCI và Chương trình nghiên cứu Fulbright thực hiện.

Nông dân sản xuất với quy mô nhỏ ngày càng gặp khó khăn trong việc bảo đảm mức lợi nhuận tối thiểu và làm ăn được ổn định. Số người không có đất tăng cao, đặc biệt làn sóng di dân luôn ở mức cao vì tình trạng thừa lao động và thiếu việc làm tại địa phương. Tỷ lệ đóng góp về GDP của ĐBSCL cho cả nước đã giảm từ mức 16% vào hai thập kỷ trước xuống còn 12% bây giờ.

Nền kinh tế ĐBSCL cần chuyển đổi từ kinh tế đất đai sang kinh tế công nghiệp, bao gồm công nghiệp hóa và hiện đại hóa các mô hình nông nghiệp. Quá trình chuyển đổi này rất quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, nó có thể giúp tăng khả năng phục hồi kinh tế của khu vực và giảm sự phụ thuộc vào nông nghiệp. Thứ hai, nó có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn và giảm tình trạng di cư. Thứ ba, nó có thể đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Một sự chuyển đổi giúp cho nơi đây đối mặt với những thách thức lớn từ bên ngoài như xâm nhập mặn, hạn hán, xói mòn, ngập lụt và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng cũng như đối mặt với các vấn đề nội tại, như suy giảm chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, cơ cấu kinh tế không ổn định, chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng, năng suất lao động thấp và di cư ngày càng tăng.

Quá trình chuyển đổi nền kinh tế ĐBSCL đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và tổng hợp chứ không riêng lẻ, có thể bao gồm bảy nội dung thiết yếu là đa dạng hóa nông nghiệp, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường giáo dục và đào tạo, bảo đảm tính bền vững môi trường, và quan trọng nhất là thiết lập cơ chế hợp tác khu vực.

Môi trường thay đổi đòi hỏi nông nghiệp phải thay đổi, hoặc chạy đua với môi trường như khi đối phó xâm nhập mặn, hoặc vượt lên trước để không bị ảnh hưởng môi trường bằng hệ thống công nghiệp hóa nông nghiệp. Đa dạng hóa cây, con và phương thức chế biến nhằm chuyển dần sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó là sử dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện năng suất, giảm tác động môi trường và gia tăng lợi nhuận.

Song song với việc thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp, cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa để thu hút nguồn vốn và thu dụng nhân lực, chỉ cần giữ tỷ trọng nông nghiệp vào khoảng 10% GDP với khoảng 25-30% lực lượng lao động. Hai động tác cần làm là khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với các dự án, hoặc góp vốn mở rộng hay mua lại (M&A) các doanh nghiệp địa phương ăn nên làm ra.

Việc khuyến khích các doanh nghiệp SME rất quan trọng, bởi hệ thống doanh nghiệp này có thể khởi đầu cho làn sóng công nghiệp hóa khu vực bằng những sáng kiến linh hoạt của các nhà đầu tư trong nước vốn đã am hiểu tiềm năng ĐBSCL. Điều mà họ cần là các chính sách hỗ trợ như cung cấp khả năng tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh.

Cả hai cuộc cách mạng nông nghiệp và công nghiệp ở ĐBSCL đều đòi hỏi một lượng lớn nhân lực có trình độ được đào tạo tại chỗ và cũng đòi hỏi phương thức rõ rệt về phát triển bền vững. Bởi không có nhân lực cơ hữu và định hướng phát triển bền vững, vùng đồng bằng châu thổ này dễ dàng rơi lại vào vòng xoáy suy thoái. Kết nối hạ tầng, bao gồm hệ thống Internet, hệ thống năng lượng điện và hệ thống giao thông hàng không, thủy, bộ là điều kiện không thể thiếu cho bất kỳ cuộc chuyển đổi kinh tế – xã hội nào. Và cuối cùng là việc thiết lập cơ chế hợp tác khu vực, một cơ chế thường trực chứ không phải liên kết lỏng lẻo như trước đây.

Vào cao điểm những năm đổi mới, cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nhà lãnh đạo có tầm nhìn kỹ trị, đã đặt cơ sở công nghiệp hóa các tỉnh miền Bắc và từ đó hạn chế việc di dân tìm việc ở miền Nam. Ngày nay, ĐBSCL cũng cần cái nhìn kỹ trị như vậy, và cùng với đó là những Think tank (các tổ chức nghiên cứu hay viện nghiên cứu) rất cần thiết như chúng ta đã thấy nơi hai báo cáo phối hợp giữa VCCI và Fulbright.

Báo cáo được thực hiện trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… đến lựa chọn mô hình tăng trưởng khi kinh tế vùng đã phát triển đến ngưỡng. Cùng với đó, quy hoạch vùng đã được ban hành, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đang phải thiết lập lại quy hoạch, xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh cho phù hợp bối cảnh toàn vùng, cùng nhau nhận diện các thách thức, hạn chế để tìm tiếng nói chung.

Trong hai thập niên qua, ĐBSCL đang có tốc độ tăng trưởng chậm dần, các nguồn lực có lợi thế về địa kinh tế, nhân lực, nguyên liệu… dường như đã được tận dụng và khai thác ở mức tối đa. Các điểm nghẽn về hạ tầng đang được đầu tư nhưng còn chậm đưa vào khai thác, làm cho ĐBSCL không có nguồn lực mới để phát triển.

Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển, ĐBSCL có mức tăng trưởng GRDP thấp nhất, chỉ đạt +2,42% năm 2020 và xuống -0,43% trong năm 2021; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể năm 2021 hơn 11.500 doanh nghiệp, nhiều hơn số thành lập mới và nhiều nhất qua các năm, lao động sau khi hồi hương do đại dịch lại tiếp tục ra đi cùng nhiều hệ lụy về môi trường đang diễn ra.

Về nền tảng, cấu trúc kinh tế ĐBSCL qua nhiều thập niên đang gặp trục trặc, dù đang được định hình và thay đổi, xu hướng tái cơ cấu chuỗi cung ứng sản xuất, cải thiện năng suất là một cơ hội lớn, nhưng còn chậm. Các con đập thượng nguồn đã và sẽ tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng đối với ĐBSCL, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhất là nông nghiệp. Không chỉ nông nghiệp, nền tảng kinh tế vùng cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Anh Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-mot-lo-trinh-de-chuyen-doi-kinh-te-dbscl/