Cần giải quyết vấn đề chồng lấn khái niệm trong Luật báo chí (sửa đổi)
Đó là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Sự kiện được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 23/4, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA, nhấn mạnh rằng, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này đã có những bổ sung đáng chú ý về cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, quy định chi tiết hơn về việc phân biệt giữa báo và tạp chí, cũng như các điều kiện cấp thẻ nhà báo.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Đánh giá về dự thảo, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA), cho rằng dự thảo đã thể hiện sự tiếp thu và cập nhật các xu hướng mới của báo chí, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển của báo chí đa phương tiện. Tuy nhiên, ông lưu ý về sự chồng lấn khái niệm giữa 'sản phẩm báo chí' và 'sản phẩm thông tin có tính chất báo chí', đồng thời đề xuất làm rõ cơ chế tài chính tự chủ, cơ chế đặt hàng công bằng giữa báo chí công và tư để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Một trong những đề xuất quan trọng của TS. Lê Công Lương là cần có một chương riêng về 'Chuyển đổi số báo chí' trong dự thảo luật, quy định rõ lộ trình, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và cơ sở hạ tầng số cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là các đơn vị ở địa phương và vùng sâu vùng xa.
Liên quan đến hệ thống báo chí, xuất bản trong khối Liên hiệp Hội, TS. Lê Công Lương cho biết hiện có gần 70 tạp chí khoa học và chuyên ngành đóng vai trò quan trọng trong phổ biến tri thức và kết nối nghiên cứu với thực tiễn. Song, các tạp chí này đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn lực cho chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và thiếu cơ chế tự chủ tài chính rõ ràng.
Do đó, ông đề nghị dự thảo luật cần phân biệt rõ giữa tạp chí khoa học (nơi công bố nghiên cứu, phản biện) và tạp chí thông tin chuyên ngành, phổ biến kiến thức, từ đó có những quy định phù hợp về cấp phép, tiêu chuẩn nội dung và đội ngũ. Ông cũng đề xuất cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số cụ thể cho tạp chí khoa học, bao gồm việc đưa nội dung này vào chiến lược phát triển báo chí quốc gia, cấp mã định danh số quốc gia và hỗ trợ hạ tầng số.
Nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập, nhận định dự thảo luật là bước tiến quan trọng nhưng cần có tư duy đổi mới để tạo không gian phát triển thực chất cho báo chí khoa học, đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Ông đề nghị xác định và phân loại rõ các tạp chí khoa học trong dự thảo, đồng thời bổ sung chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm để tạo môi trường phát triển lành mạnh. Về vấn đề thẻ nhà báo, ông cho rằng nên duy trì quy định hiện hành cho người làm tại tạp chí khoa học với phạm vi tác nghiệp rõ ràng.
Đồng quan điểm, nhà báo Trần Trọng An, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia Đình Mới, đánh giá cao nỗ lực hiện đại hóa quản lý báo chí và bảo vệ quyền tự do ngôn luận trong dự thảo. Tuy nhiên, ông cho rằng cần bổ sung các quy định chi tiết, minh bạch và cơ chế bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan để luật có hiệu lực thực tiễn cao hơn.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp giá trị từ các chuyên gia và nhà báo, cho thấy sự quan tâm sâu sắc của giới báo chí và khoa học đối với việc hoàn thiện Luật Báo chí (sửa đổi), kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và lành mạnh của báo chí Việt Nam trong bối cảnh mới.