Cần đề cao nguyên tắc thị trường

Cổ phần hóa (CPH), thoái vốn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (NDNN). Đến nay, nhiều mục tiêu quan trọng trong cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN vẫn chưa hoàn thành. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để đạt hiệu quả cao trong CPH, thoái vốn cũng như cơ cấu lại DNNN thì nguyên tắc thị trường phải được đề cao.

Nhiều mục tiêu tái cơ cấu DNNN chưa đạt được

Ngày 23-9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì tổ chức hội thảo “Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại DNNN đến năm 2030, kế hoạch 2021-2025”. Thông tin tại hội thảo, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN thuộc CIEM, cho biết: Theo nghiên cứu của CIEM, giai đoạn 2011-2020 sẽ phấn đấu đạt mục tiêu CPH khoảng 750 DN. Cùng với đó, có thể hoàn thành kế hoạch thu ngân sách Nhà nước từ CPH, thoái vốn tại DNNN. Riêng giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6-2019, cơ quan chức năng đã chuyển 185 nghìn tỷ đồng từ việc CPH và thoái vốn DNNN về ngân sách, đạt 74% kế hoạch.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Trung, dù có nỗ lực hoàn thành về mặt số lượng DN CPH, thoái vốn đến năm 2020 nhưng nhiều mục tiêu quan trọng vẫn chưa hoàn thành. Cụ thể, hiệu quả sử dụng vốn của DNNN đang thấp hơn so với DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài; các chỉ tiêu về thu ngân sách, tạo việc làm ngày càng giảm; vai trò dẫn dắt, điều tiết hoặc định hướng của DNNN chưa được thể hiện rõ, sức lan tỏa chưa cao… “Như vậy, theo đánh giá của CIEM, mục tiêu “sắp xếp, CPH thoái vốn nhà nước để DNNN có cơ cấu hợp lý hơn” chỉ hoàn thành ở mức thấp. Mục tiêu “đầu tư không dàn trải, nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý, năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế, bình đẳng với DN khác” chỉ hoàn thành ở mức độ trung bình...”, ông Phạm Đức Trung nhấn mạnh.

Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (HABECO) là doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa. Ảnh: QUỲNH ANH

Đề cập tới nguyên nhân tại sao DNNN chưa thực sự thay đổi về “chất”, nhiều ý kiến cho rằng, có nguyên nhân khó khăn từ thị trường. Song nguyên nhân chủ yếu từ quan điểm nhận thức, việc CPH hiện chỉ lớn về mặt số lượng DNNN được CPH, nhưng trên thực tế, tổng số vốn điều lệ Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ còn cao. Báo cáo của CIEM cho thấy, theo số liệu bán cổ phần lần đầu trong giai đoạn 2011-2016 cho thấy, tổng số vốn điều lệ Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ còn đến 81,1%. Đáng chú ý, trong số chưa đầy 20% vốn điều lệ sau bán cổ phần lần đầu do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước nắm giữ, các nhà đầu tư chiến lược cũng chỉ chiếm chưa đầy 8%. Nêu quan điểm về vấn đề này, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, có tình trạng làm “động tác giả” trong quá trình CPH DNNN, nên DN chỉ bán 1% cổ phần, cũng được coi là CPH xong. Vốn nhà nước vẫn chiếm đa số nên mục tiêu để DNNN có cơ cấu hợp lý vẫn chưa đạt được. Như vậy, dù có thực hiện CPH nhưng không chuyển đổi nguồn lực, thay đổi cấu trúc sở hữu DN và quản trị.

Xác định đúng vai trò của DNNN

Theo các chuyên gia kinh tế, để quá trình CPH, thoái vốn DNNN diễn ra một cách thực chất khỏi những lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần phải nắm giữ thì đã đến lúc phải thay đổi tư duy về vai trò của DNNN. Theo đó, DN trước tiên cần thực hiện tốt nhất vai trò của mình là kinh doanh hiệu quả, đừng “khoác” cho nó quá nhiều nhiệm vụ.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phân tích, khi DNNN được dùng làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô thì đương nhiên sản phẩm, hàng hóa của DNNN không theo cơ chế của thị trường. Khi giá có xu hướng lên thì DNNN phải kìm giá, còn khi giá xuống thì lại phải đẩy giá lên. Điều này làm tín hiệu thị trường bị sai lệch, DNNN trở nên kém năng động và đứng trước nguy cơ bị thua lỗ. “Hãy để DNNN được kinh doanh trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh sòng phẳng, thực hiện tốt chức năng của DN là kinh doanh, trong đó lấy hiệu quả tài chính đặt lên hàng đầu. Tức là DNNN cần được quyền tự chủ kinh doanh trong phạm vi, mục đích mà chủ sở hữu đặt ra chứ không nên can thiệp hành chính quá sâu vào hoạt động của DNNN như hiện nay”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm, ông Phạm Đức Trung cho rằng, cần phải thực hiện tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN. Theo đó, Nhà nước cần trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN theo cơ chế thị trường với việc tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước. “Việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội do Nhà nước đặt hàng, giao cho mọi thành phần kinh tế theo nguyên tắc thị trường. Đã là doanh nghiệp phải có chức năng kinh doanh, tập trung vào nhiệm vụ kinh tế”, ông Phạm Đức Trung đề xuất. Về định hướng cơ cấu lại DNNN, quan điểm của CIEM cho rằng, mục tiêu đến năm 2030 cần hoàn thành áp đặt cơ chế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập với DNNN. DNNN cần dẫn đầu về năng suất lao động và tỷ suất lợi nhuận, đạt trình độ công nghệ hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty.

Ở góc nhìn khác, một số đại biểu góp ý: Nếu tất cả DNNN phải hoạt động, kinh doanh theo cơ chế thị trường thì đồng nghĩa với việc thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực Nhà nước cũng được theo quy tắc và quy luật thị trường. Có nghĩa là ai có khả năng sử dụng hiệu quả những nguồn lực Nhà nước sẽ được tiếp cận và sử dụng nguồn lực này. Do đó, cần chấm dứt mọi hình thức ưu đãi, triệt để áp dụng nguyên tắc tự vay-tự trả. Nếu phân bổ nguồn lực vẫn là xin-cho, bị chi phối bởi các nhóm lợi ích và không có cạnh tranh thì khó có thể tái cơ cấu DN, nâng cao hiệu quả kinh tế.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-de-cao-nguyen-tac-thi-truong-591824