Cần đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả do ăn thịt cóc

Sáng 19-12, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị chuyên đề về phòng-chống ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc. Theo các đại biểu tại hội nghị, để giảm thiểu tình trạng tử vong do ăn thịt cóc thì công tác tuyên truyền giữ vai trò hết sức quan trọng.

Ông Đỗ Tấn Thạnh-Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh-cho biết: Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 4 vụ ngộ độc do ăn thịt cóc khiến 3 người tử vong. Các trường hợp tử vong do ăn thịt cóc một phần do không biết sự nguy hiểm của cóc, một phần biết nhưng vẫn ăn do thói quen.

“Công tác tuyên truyền về ngộ độc do ăn thịt cóc được quan tâm triển khai nhưng do thói quen, ý thức, tập quán lâu đời của người dân nên dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm và tử vong do ăn thịt cóc còn xảy ra”-ông Thạnh nói.

Bà Hà Thị Hoa-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hà Ra (huyện Mang Yang) nêu giải pháp nhằm giảm thiểu tử vong do ăn thịt cóc. Ảnh: Như Nguyện

Các vụ ngộ độc do ăn thịt cóc hầu hết xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân bắt cóc về chế biến làm thức ăn cho dù đã được tuyên truyền, khuyến cáo. Bà Hà Thị Hoa-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hà Ra (huyện Mang Yang) chia sẻ: Người dân cho rằng thịt cóc có nhiều dinh dưỡng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 1 trường hợp tử vong do ăn thịt cóc.

“Theo tôi thì cần chú trọng công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được mối nguy hại của việc sử dụng thịt cóc mà dần điều chỉnh, thay đổi hành vi. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần quan tâm giải quyết vấn đề căn cơ là nâng cao đời sống người dân, hỗ trợ kinh phí triển khai các hoạt động tuyên truyền đa dạng, sâu rộng trong cộng đồng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-bà Hoa nói.

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, từ năm 2013 đến 2023, toàn tỉnh ghi nhận 9 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc với 29 người mắc; trong đó 6 trường hợp tử vong. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc; trong đó 3 trường hợp tử vong, đều là người dân tộc thiểu số. 3 xã ghi nhận các trường hợp tử vong do ăn cóc là Hà Ra (huyện Mang Yang), Ia Rong (huyện Chư Pưh) và Ia Băng (huyện Chư Prông).

Theo ông Trương Công Thắng-cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang), khi xảy ra ngộ độc do ăn thịt cóc, gia đình không báo với chính quyền địa phương nên khi có thông tin vụ việc thì đã muộn. Nhiều trường hợp không lấy được mẫu thực phẩm gây ngộ độc.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Chư Pưh ghi nhận 2 vụ ngộ độc do ăn thịt cóc với 6 người mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Bà Hoàng Thị Diễm Hằng-cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Chư Pưh) cho hay: Khó khăn hiện nay là tâm lý chủ quan của người dân. Nhiều người vẫn bắt và chế biến cóc làm thức ăn. Khi xảy ra ngộ độc và tử vong, nhiều người lại cho rằng nguyên nhân là do không biết cách chế biến. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen.

Năm 2023, Trung tâm Y tế huyện đã cấp phát 1.000 tờ rơi có nội dung phòng-chống ngộ độc do ăn thịt cóc đến các hộ gia đình và lồng ghép tuyên truyền trong trường học về vấn đề này.

Chiều 11-10, Khoa Hồi sức cấp cứu-Trung tâm y tế huyện Chư Sê tiếp nhận 3 trẻ em bị ngộ độc do ăn trứng cóc. Ảnh: Như Nguyện

Bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang-Trưởng phòng Nghiệp vụ-Tổng hợp (Chi cục ATVSTP tỉnh) cho biết: Để đảm bảo an toàn thì loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm chế biến từ cóc.

Trong con cóc có những độc tố tự nhiên gây chết người. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản cấm kinh doanh hoặc cấm sử dụng thịt cóc làm thực phẩm. Người bán thịt cóc vẫn hoạt động công khai tại những nơi đông người hoặc đến khắp thôn, làng rao bán; đồng thời, quảng cáo đây là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.

Trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn sử dụng thịt cóc như là thực phẩm thông thường dẫn đến xảy ra các vụ ngộ độc và có trường hợp tử vong. Vì không bị cấm nên các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền cũng như áp dụng các giải pháp quyết liệt.

"Trước đó, tại hội nghị chuyên đề ở Đà Nẵng, Chi cục ATVSTP tỉnh đã báo cáo về thực trạng ngộ độc thịt cóc tại Gia Lai và đề xuất Cục An toàn thực phẩm kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản cấm kinh doanh thịt cóc để góp phần phòng-chống ngộ độc thịt cóc một cách hiệu quả”-bà Trang thông tin.

NHƯ NGUYỆN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/can-day-manh-tuyen-truyen-ve-hau-qua-do-an-thit-coc-post259428.html