Cần đa dạng đầu ra cho hạt gạo

Sau một thời gian dài neo ở mức cao, từ đầu năm 2019, giá gạo đang giảm khá mạnh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng lúa. Hiện, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp mua dự trữ quốc gia 80 nghìn tấn thóc và 200 nghìn tấn gạo để giúp giữ giá mặt hàng này không bị giảm sâu. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn cần đa dạng đầu ra cho hạt gạo.

Giá lúa gạo đang giảm khá sâu.

Giá gạo giảm sâu
Dấu hiệu giảm sút của giá gạo đã diễn ra từ cuối năm 2018 và kéo dài đến nay sau một năm bội thu cả về lượng và giá trị. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, từ cuối 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2-2019 sụt xuống 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg.

Giá lúa gạo giảm sâu đã gây ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của bà con nông dân, đặc biệt là tại các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, hiện giá lúa trên thị trường đang có chiều hướng giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg (so với đầu tháng 1/2019) và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới khi bước vào thu hoạch rộ. Tại An Giang, không chỉ lúa thường mà cả lúa gạo chất lượng cao giá cũng giảm mạnh. Lúa chất lượng cao RVT năm 2018 có giá 8.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ còn 5.500 đồng/kg. Các giống lúa chất lượng cao khác như: ST, Đài Thơm… cũng giảm khoảng 2.000 đồng/kg…

Nhận định về nguyên nhân khiến giá lúa gạo liên tục sụt giảm, ông Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, theo ước tính, sản lượng lúa vụ Đông Xuân ở ĐBSCL hằng năm vào khoảng 10-11 triệu tấn. Thời điểm đầu năm, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) và khách nước ngoài chưa đặt hàng mua, dẫn đến các DN trong nước bị ứ đọng, không có đầu ra và không thu mua lúa của dân. Trong khi đó, bà con nông dân cũng muốn bán lúa để có tiền chi tiêu. Nông dân cần tiền mà DN chưa mua thì dẫn đến bán tháo và hạ giá. Chưa kể, đầu năm nay, XK gạo giảm cả về lượng và giá trị, ảnh hưởng đến giá thu mua gạo trong nước.

“Về thị trường, nếu như trước đây chỉ có Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ sản xuất và XK gạo nhưng hiện nay Campuchia, Bangladesh cũng sản xuất và XK lúa gạo. Thị trường Myanmar trước đây giữ vị trí nhất nhì trong sản xuất lúa gạo, sau thời gian sụt giảm thì hiện cũng bắt đầu phục hồi, cạnh tranh với gạo Việt Nam” - ông Lê Văn Bảnh cho hay.

Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh phân tích thêm, năm 2019, chủng loại IR50404 – gạo thường nhiều hơn những năm trước do trồng thay thế gạo nếp, giá loại gạo này cũng thấp hơn so với gạo nếp. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu gạo năm nay cũng thấp hơn so với những năm trước.

Cụ thể, Indonesia năm 2018 đã nhập khẩu một khối lượng lớn nên năm nay quốc gia này đang tạm dừng không nhập khẩu. Tại Bangladesh, sản xuất đã phục hồi sau trận lũ lụt năm 2017 khiến nhu cầu nhập khẩu gạo giảm mạnh. Nếu năm 2018, Bangladesh nhập đến 1,4 triệu tấn thì sang năm 2019 chỉ nhập 400 nghìn tấn. Trung Quốc - thị trường chủ lực của gạo Việt đang xả tồn kho, giảm mua… Tất cả những yếu tố về thị trường này đã khiến năm 2019, XK gạo được nhận định là không dễ dàng.

Tính kế dài hơi
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm so với cùng kỳ diễn ra ngày 19-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch Nhà nước đã giao. Cụ thể, phải mua sớm 200 nghìn tấn gạo và 80 nghìn tấn thóc. Các tổng công ty lương thực Nhà nước cũng phải thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định; khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch XK gạo. Bộ Công thương tiếp tục cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân, tận dụng tốt một số hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng thị trường cho hạt gạo.

Đánh giá về động thái này của Chính phủ, ông Lê Văn Bảnh cho rằng, quyết định mua tạm trữ gạo chỉ là giải pháp tình thế kịp thời để giữ cho giá lúa ổn định và không giảm thêm.

Trung bình hằng năm Việt Nam XK khoảng 5-6 triệu tấn gạo. Dự kiến năm 2019, XK gạo cũng sẽ đạt con số này. Tuy nhiên, giá gạo mỗi thời điểm một khác. Năm 2018, giá gạo XK tăng mạnh, từ 452USD/tấn (năm 2017) lên 502 USD/tấn. Nhưng trong năm 2019, giá gạo XK khó đạt được con số này. Nguồn cung đa dạng khiến phía khách hàng nhập khẩu có thêm nhiều nguồn để lựa chọn. Họ có thể tính toán, cân nhắc để có thể mua được mức giá rẻ nhất từ Việt Nam. Đây là bài toán cạnh tranh cung cầu trên thị trường lúa gạo thế giới.

Do đó, ông Lê Văn Bảnh cho rằng, để thị trường lúa gạo của Việt Nam phát triển ổn định, XK bền vững thì các DN phải đa dạng hóa thị trường XK. Bên cạnh đó, cần tăng chất lượng lúa gạo và nâng cao uy tín trên thị trường lúa gạo thế giới, xây dựng và quảng bá được thương hiệu gạo của các DN Việt Nam. Đây cũng là giải pháp quan trọng để có thể XK gạo sang các thị trường khó tính như Đông Bắc Á, Tây Âu.

Về lâu dài, các DN phải tìm kiếm được đầu ra ổn định, đa dạng hóa thị trường và có kết nối chuỗi sản xuất giữa người nông dân với DN. “Dù chỉ số CPI thay đổi, nhưng giá thu mua lúa của người nông dân bao nhiêu năm nay cũng chỉ xoay quanh mức 4.000 – 5.000 đồng/kg và không cao hơn, đó là điều vô lý. Do đó, DN có nhiệm vụ kết hợp, định hướng giúp người nông dân tổ chức sản xuất, làm ra các sản phẩm thị trường thực sự cần, các sản phẩm chất lượng, sau đó, thu mua hết lúa gạo cho bà con nông dân. Từ đó mới khuyến khích được người dân trồng các loại lúa có chất lượng và DN cũng có được các sản phẩm chất lượng, nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Lê Văn Bảnh nhấn mạnh.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/39269302-can-da-dang-dau-ra-cho-hat-gao.html