Căn cứ định tội cho kẻ đánh trọng thương phó chủ tịch xã
Theo luật sư, phương thức, động cơ, mục đích thực hiện hành vi của bị can cùng mức độ thương tật của nạn nhân sẽ là căn cứ để xem xét đổi tội danh với Tùng và Mạnh.
Công an TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, vừa khởi tố bị can Phạm Văn Tùng (38 tuổi) và Nguyễn Văn Mạnh (29 tuổi, cùng trú TP Hải Dương) về tội Chống người thi hành công vụ. Trước khi bị khởi tố, Tùng làm Giám đốc Công ty TNHH Nam Anh, còn Mạnh là nhân viên lái máy xúc của doanh nghiệp này.
Theo công an, tối 15/4, ông Nguyễn Văn Hanh (Phó chủ tịch UBND xã An Thượng, TP Hải Dương) cùng ông Nguyễn Tuấn Anh (công chức xã An Thượng) giám sát, không cho san lấp mặt bằng tại thửa đất của Công ty TNHH Xăng dầu Ngân Giang HD do mốc giới chưa rõ ràng. Thấy vậy, Tùng và Mạnh xô đẩy, đánh ông Tuấn Anh. Ông Hanh vào căn ngăn thì bị Mạnh rượt đuổi, đá vào mặt. Sự việc khiến ông Hanh bị đa chấn thương vùng mặt, sọ não, gãy một số răng hàm dưới và xương mũi, còn ông Tuấn Anh bị thương nhẹ.
Với những hành vi này, có căn cứ để chuyển đổi tội danh đối với các bị can hay không?
Luật sư Lưu Kiều Trang, Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự
Hành vi hành hung Phó chủ tịch UBND xã An Thượng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không chỉ chống người thi hành công vụ mà còn xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác, thể hiện sự bất chấp, coi thường pháp luật.
Hai bị can hiện đã bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan công an có thể chuyển đổi tội danh, xử lý Tùng và Mạnh về những tội nặng hơn theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Để có căn cứ xử lý Tùng và Mạnh về tội danh khác, cơ quan điều tra cần làm rõ phương thức, động cơ và mục đích thực hiện hành vi của bị can. Đồng thời, kết quả giám định thương tật của nạn nhân cũng là căn cứ định tội quan trọng trong vụ án này.
Theo thông tin hiện có, Tùng và Mạnh hành hung 2 cán bộ xã khi bị ngăn cản. Sau đó, Mạnh đuổi theo, xô ngã và đá vào mặt phó chủ tịch xã. Trường hợp này, hành vi của 2 bị can có thể cấu thành tội Cố ý gây thương tích hoặc thậm chí Giết người.
Đối với Mạnh, do bị can đã trực tiếp gây ra chấn thương vùng đầu cho phó chủ tịch xã, cơ quan chức năng sẽ làm rõ thêm các yếu tố như động cơ thực hiện hành vi, vị trí ông Hanh bị chấn thương, lực đá, tần suất tấn công và việc Mạnh có ý thức được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân hay không.
Trường hợp đủ căn cứ chứng minh bị can thực hiện hành vi nguy hiểm nhằm tước đoạt mạng sống nạn nhân hoặc không có chủ ý giết người nhưng hành vi có tính chất nguy hiểm, sát thương cao nhưng bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, Mạnh sẽ bị xử lý về tội Giết người. Còn nếu hành vi không nhằm mục đích giết người hoặc không có khả năng gây nguy hiểm tính mạng cho nạn nhân, tùy thuộc mức độ thương tật của ông Hanh, Mạnh sẽ bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu bị xử lý về một trong 2 tội danh trên, bị can sẽ phải chịu tình tiết định khung là phạm tội với người đang thi hành công vụ.
Đối với Tùng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc bị can có vai trò giúp sức tích cực cho Mạnh để gây ra chấn thương cho phó chủ tịch xã hay không. Trường hợp đủ căn cứ, Tùng có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm trong vụ án này.
Ngoài ra, với hành vi san lấp đất trái phép, các bị can còn có thể bị xử lý hành chính về hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất theo Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Khung hình phạt là 2-150 triệu đồng, tùy thuộc diện tích đất bị ảnh hưởng.