Cần có cơ chế quản lý, giám sát để trại hè phát huy hiệu quả

Mô hình trại hè với nhiều hoạt động trải nghiệm, khám phá, phát triển kỹ năng sống… đang là lựa chọn của nhiều gia đình. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của nhiều trại hè không như mong đợi. Để trại hè thu hút được nhiều trẻ em tham gia cần bảo đảm chất lượng các hoạt động. Vì vậy cần có cơ chế quản lý, giám sát để trại hè thực sự phát huy hiệu quả vốn có.

Trại hè quân đội đã đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho các học viên, đang rất thu hút các bậc phụ huynh cho con tham gia

Trại hè quân đội đã đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho các học viên, đang rất thu hút các bậc phụ huynh cho con tham gia

Đã có vụ việc đáng tiếc xảy ra tại khóa tu

Thực tế hiện nay cho thấy, ở nhiều địa phương các trại hè quân đội, khóa tu, kỹ năng sống... đang rất thu hút các bậc phụ huynh cho con tham gia. Chính vì thế mà nhiều các đơn vị, nhóm tự phát tổ chức, dẫn đến hoạt động này dần bộc lộ nhiều lộn xộn, bất cập, chương trình thiếu thực tế.

Cho con trải nghiệm khóa học mùa hè là mục tiêu mà nhiều phụ huynh mong muốn các con có thêm các hoạt động trải nghiệm và thực tế bên cạnh kiến thức trên sách vở. Tuy nhiên trước những “ma trận” trại hè: Trại hè kỹ năng sống, tiếng Anh, nông trại… đang "nở rộ", nhiều phụ huynh ngày càng băn khoăn khi đứng trước nhiều thông tin và lựa chọn.

Đặc biệt với mô hình quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, dễ dàng tiếp cận với mội tầng lớp người dân, thì nhiều người đang cảm thấy bị “ngợp” trong mớ thông tin và nếu không có sự tìm hiểu kỹ dễ dẫn đến những lựa chọn thiếu chính xác, gây ảnh hưởng đến tâm lý con em khi tham gia trại hè.

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao khi một bà mẹ ở Hà Nội đăng tải hình ảnh con trai tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Cự Đà, Hà Nội nhưng bị bạn bè đánh vào đầu và tay phải nhập viện, bị dọa bắt quỳ 2 giờ nếu mách bố mẹ, chân tay đầy nốt muỗi cắn…

Liên quan đến vụ việc khóa tu mùa hè tại chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) mới đây, ngày 19/6, Trưởng ban Tôn giáo TP Hà Nội Phạm Tiến Dũng đã có thông tin tới cơ quan báo chí.

Thông tin cho biết, khóa tu mùa hè diễn ra từ ngày 12 đến 16/6, tổ chức tại chùa Cự Đà, là khóa 2 (có 10 lớp trong khóa tu của chùa Cự Đà). Sự việc diễn ra vào 11h ngày 15/6 tại gia đình Tâm Thiện, em C.H.P (11 tuổi ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) đã trình bày bị đau tay.

Tối 17/6, vị phụ huynh có tên N.T.G.N - người đã đăng lên mạng xã hội trường hợp con mình tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Cự Đà cho biết, đã gặp mặt trụ trì chùa Cự Đà cũng như đại diện BTC khóa tu. Qua đó, hai bên thống nhất các nội dung về việc xin lỗi gia đình học sinh.

Cần tăng cường thanh, kiểm tra

Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, phụ huynh nên quan tâm đến nguyện vọng, sở thích của con em mình, từ đó tìm các hoạt động hè phù hợp, đặc biệt phải an toàn cho con trẻ và cần lựa chọn đơn vị tổ chức có uy tín, thương hiệu.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Nga, hoạt động ngoại khóa, trong đó có trại hè nhằm giáo dục kỹ năng sống là rất tốt cho trẻ em; nhưng việc bảo đảm quyền trẻ em khi tham gia các chương trình này vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Thực tế, Cục Trẻ em đã khảo sát và phát hiện vẫn còn một số nơi tổ chức trại hè chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, chương trình, mức độ an toàn, quyền riêng tư của trẻ chưa được đề cao. Do đó, phụ huynh cần nghiên cứu kỹ chương trình, kiểm tra việc ăn uống, nơi ở cho phù hợp với sở thích, nguyện vọng, giới tính và an toàn cho các con.

Bà Nguyễn Thị Nga cũng cho biết, ngày 28/12/2022, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 27/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Trong đó, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân và gia đình bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, kỳ thị với trẻ trong các khóa học, trong đó có trại hè. Địa điểm trẻ em tham gia hoạt động phải an toàn, thân thiện, phù hợp với lứa tuổi, giới tính; phòng nghỉ, khu vực vệ sinh cá nhân phù hợp; bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, trẻ em có quyền hủy bỏ việc tham gia nếu thấy hoạt động này không đáp ứng hoặc không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng. Các cơ quan, đơn vị khi tổ chức các hoạt động này phải công khai chương trình, thời gian, thời lượng, địa điểm, kinh phí, nhân lực. Đồng thời, đề nghị UBND các cấp tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị tổ chức hoạt động ngoài gia đình, nhà trường.

Hà Nội đã lập đoàn kiểm tra

Liên quan đến vụ việc khóa tu mùa hè tại chùa Cự Đà, Ban Tôn giáo TP đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai để chỉ đạo xã Cự Khê kiểm tra, xác minh thông tin báo chí, các mạng xã hội đưa tin; kịp thời chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khóa tu tại cơ sở.

Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Ban Tôn giáo TP, UBND các xã, phường, thị trấn đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các cơ sở tự viện tổ chức các khóa tu hè bảo đảm quy định pháp luật, phù hợp giáo lý Phật giáo và văn hóa truyền thống.

Việc tổ chức khóa tu mùa hè thực hiện theo quy định về thông báo bổ sung hoạt động tôn giáo (khoản 3, Điều 43, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo). Qua vụ việc tại chùa Cự Đà, Ban Tôn giáo TP cũng đã có văn bản chỉ đạo ngày 19/6/2023 gửi UBND các quận, huyện, thị xã và Ban Trị sự Phật giáo các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động của các khóa tu mùa hè; không chấp thuận các cơ sở tự viện chưa đủ điều kiện, năng lực tổ chức.

Ban Tôn giáo TP Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội tập trung triển khai một số nội dung. Cụ thể, nghiêm túc triển khai các nội dung tại Công văn số 182/BTG-NV2 ngày 7/6/2023 của Ban Tôn giáo TP về việc tổ chức khóa tu mùa hè tại các cơ sở tự viện Phật giáo trên địa bàn TP năm 2023 cùng các văn bản liên quan khác.

Linh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/can-co-co-che-quan-ly-giam-sat-de-trai-he-phat-huy-hieu-qua-340864.html