Cần cơ chế riêng để thúc đẩy hợp tác xã phát triển du lịch nông thôn

Mục tiêu cuối cùng của du lịch nông thôn là góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững hơn, làm cho đời sống người dân nâng cao. Tuy nhiên muốn làm được điều đó, cần có khung chính sách rõ ràng để du lịch nông thôn phát triển bền vững, bao trùm, đa giá trị.

Theo thống kê của Văn Phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, trong Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có nhóm sản phẩm OCOP là điểm du lịch cộng đồng. Đến nay, trên cả nước có 1.300 điểm du lịch (70% là ở nông thôn), có đến 36 điểm du lịch cộng đồng được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Nhiều điểm đến khu vực nông thôn có thể đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Một số tour du lịch đã trở thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Chưa có cơ sở pháp lý

Phát triển du lịch nông thôn ngoài góp phần làm giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, còn góp phần phục hồi, bảo tồn văn hóa, tạo vai trò tích cực của du lịch nông thôn trong việc làm và giới.

Về mặt kinh tế, du lịch nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ, làm đa dạng về ổn định kinh tế, tăng đầu tư… Ngoài ra, du lịch nông thôn còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm với nông nghiệp.

Nhu cầu về du lịch nông nghiệp ngày càng lớn.

Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo về góp ý chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng -Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cho rằng dù nhu cầu về du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn rất lớn nhưng hiện nay các cơ chế chính sách về du lịch nông thôn chưa được thống nhất mà chủ yếu do các địa phương, các chủ thể tự vận dụng từ thực tiễn. Chính vì vậy mà các mô hình du lịch nông thôn cũng chủ yếu trên điều kiện thí điểm, tạm thời.

“Nhu cầu về du lịch trong nước, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng rất lớn nhưng làm thế nào để du lịch phát triển bền vững, không tác động đến cảnh quan tự nhiên, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và không trở thành điểm nóng du lịch thì cần rất sự quan tâm của các địa phương, các cơ quan chức năng...”, ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Vì chưa có khung pháp lý, chính sách rõ ràng nên trong quá trình phát triển các doanh nghiệp, người dân rất khó thực hiện. Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc công ty du lịch Quỳnh Nhai travel, cho biết chính sách hỗ trợ phát triển du lịch vẫn bị chồng chéo nên khi doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã (HTX) phát triển mô hình du lịch rất khó khăn. Cụ thể là việc thuê đất để xây dựng mô hình du lịch hay thuê đất làm mặt bằng kinh doanh còn khó khăn. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành, tránh tình trạng "trên rải thảm, dưới rải đinh".

Bà Nguyễn Thị Lan (Công ty du lịch Bản Giốc) cho biết hiện nay chưa có chính sách về thống nhất cơ sở hạ tầng nên một số ngôi làng ở Cao Bằng đã bị phá vỡ về kiến trúc, làm du khách khi đến tham quan thất vọng. Đặc biệt, du lịch Cao Bằng vốn thuộc vành đai biên giới nhưng chưa có cơ sở pháp lý về du lịch cho loại hình này.

“Mong muốn phát triển theo đúng định hướng của Nhà nước nhưng khi đến đăng ký với bên công an và bên biên phòng thì cả 2 cơ quan này đều không nhận làm. Điều này gây khó cho những người trực tiếp làm du lịch và nếu không được hỗ trợ cụ thể thì sẽ dễ phá vỡ cảnh quan, môi trường, kiến trúc”, bà Lan chia sẻ.

Hiện một số địa phương cũng đã quan tâm đến phát triển du lịch nông thôn nhưng việc đầu tư chưa đúng và chưa trúng. Ông Tạ Anh Tuấn, Tổ chức AOP cho biết, có địa phương hỗ trợ người dân, HTX chăn, đệm nhưng không đồng bộ. Hay việc hỗ trợ làm bảng biển, quảng cáo bằng các vật liệu công nghiệp gây khó khăn cho người dân, HTX trong khâu quản lý, khi hỏng rất khó sửa chữa hoặc sửa chữa nhưng lại không tạo được sự đồng bộ cho tổng thể mô hình du lịch.

Muốn bền vững cần phát triển "village stay"

Phát triển du lịch có tính tương hỗ với phát triển nông thôn như: phát triển đường xá, đào tạo lao động, xây dựng cảnh quan nông thôn, giúp các địa phương hoàn thiện các tiêu chí về lao động, môi trường, nâng cao thu nhập…

"Các địa phương, người dân và HTX rất mong chờ vào sự phát triển du lịch nông thôn. Để du lịch không còn manh mún, đồng bộ về các tiêu chí: môi trường, kiến trúc... cần sự hỗ trợ cả về chính sách, tài chính". Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ Hành (Tổng Cục Du lịch).

Để đạt được hiệu quả về phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn tới, điểm đến du lịch nông thôn phải được được quy hoạch, đầu tư đồng bộ đảm bảo các yếu tố cảnh quan, môi trường, hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật…

Bà Trương Thu Hương, Vụ Lữ Hành (Tổng Cục Du lịch) cho biết, để xây dựng các mô hình du lịch bền vững cần có cơ chế chính sách hỗ trợ mang tính tổng thể vì làm du lịch nông thôn hiện nay, hầu hết do người dân, HTX với điều kiện về quản lý, vốn, kiến thức còn nhiều hạn chế. Nếu có những nội dung hỗ trợ các điểm đến tham quan thì cần hỗ trợ các điểm du lịch đó cách tiếp cận với khách, đầu tư cơ sở hạ tầng, bãi đỗ xe, cửa hàng trưng bày, nhà vệ sinh… Cần hỗ trợ các điểm du lịch kết nối với nhau tạo thành các tour, tuyến thì mới tạo được sự đồng bộ, bền vững.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cần đầu tư sâu hơn, vì đây là mảng mang lại giá trị kinh tế nhưng phải mang tính đặc trưng. Theo bà Trương Thu Hương, không thể đến vùng nào ở Tây Bắc cũng có mô hình nhà sàn, cơm lam mà phải tận dụng những sản phẩm đặc trưng ở mỗi vùng miền như ruộng bậc thang, dược liệu, nuôi trồng thủy sản… để hút khách và mở rộng đầu ra cho nông sản.

Hiện nay, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được xác định “là hướng đi tất yếu, nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững… Chính vì vậy để tạo cơ chế cho du lịch, các chuyên gia cho rằng chính sách cần có sự đồng bộ, điều chỉnh mang tính chất liên ngành.

Hiện việc chuyển đất nông nghiệp sang đất phục vụ du lịch tại nhiều địa phương vẫn còn khó nên chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và điểm đến để thu hút khách. Do đó, muốn giải quyết được vấn đề này, cần các Bộ, ngành liên quan vào cuộc.

“Các cấp ngành, địa phương cần sớm xem xét hướng dẫn về cơ chế quản lý đất đai trong khai thác phục vụ phát triển du lịch; hướng dẫn các địa phương trong công tác lập quy hoạch và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ đối với từng loại hình du lịch. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại hình trang trại, HTX nông nghiệp kết hợp du lịch”, bà Nguyễn Yến (Đại học nông lâm Thái Nguyên), chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Tiến, cho biết phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, với mục đích phát triển du lịch nông thôn bền vững, bao trùm, đa giá trị nhằm khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa và tự nhiên đặc sắc gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo.

Tuy nhiên, cần phát triển trên cơ sở xây dựng các village stay thay vì phát triển các homestay đơn lẻ. Việc này vừa bảo đảm được sinh kế cộng đồng, vừa đảm bảo phát triển du lịch bền vững, không phá vỡ cảnh quan, môi trường.

Như Yến

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/can-co-che-rieng-de-thuc-day-hop-tac-xa-phat-trien-du-lich-nong-thon-1083816.html