Đối với bệnh nhân ung thư, phương pháp xạ trị là "phao cứu sinh" giúp họ trở về với cuộc sống bình thường. Tùy từng loại bệnh ung thư, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xạ trị đơn thuần hoặc phối hợp cùng các phương thức khác như phẫu thuật, liệu pháp điều trị toàn thân (hóa trị, liệu pháp nhắm đích, miễn dịch). Mỗi bệnh nhân sẽ được chọn lựa phác đồ điều trị, kỹ thuật, liều xạ và thời gian phù hợp.
Ông T.V.H. (52 tuổi, ngụ Vĩnh Long) mắc ung thư vòm hầu được điều trị tại khoa Xạ trị Tổng quát, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Trong ảnh, người đàn ông đang nằm trên giường phẳng tương tự trên máy xạ trị để làm quen với cảm giác. Không gian trong phòng xạ trị khá rộng và thường chỉ có bệnh nhân và chiếc máy xạ. Bức tranh phong cảnh màu sắc trên trần nhà là điểm nhấn giúp người bệnh vơi cảm giác lo lắng, cô đơn trên giường xạ.
Trước đó, các kỹ sư y vật lý và kỹ thuật viên hướng dẫn, điều chỉnh tư thế nằm thoải mái để ông H. quen với cảm giác nằm trên máy xạ. Nằm im, không cử động trong một khoảng thời gian là điều không dễ dàng, nhưng quan trọng đối với việc chiếu tia. Bởi, chỉ cần người bệnh nhích 1 mm cũng làm tia đi lệch vùng cần điều trị so với mô phỏng, vô tình làm tổn hại đến cơ quan lành.
Kỹ thuật viên sẽ theo sát người bệnh trong quá trình xạ, ân cần hướng dẫn họ nằm trên máy hoặc mặc đồ bảo hộ. Trong thời gian chuẩn bị xạ, kỹ thuật viên sẽ hỏi thăm, chia sẻ, động viên người bệnh. Ê-kíp luôn dặn bệnh nhân lúc ở trong phòng một mình, nếu cần trao đổi thì nói lớn, thông qua thiết bị thu phát sóng, ê-kíp ngồi ngoài phòng kỹ thuật sẽ nghe được. Kỹ thuật viên và bác sĩ luôn theo dõi quá trình chiếu xạ qua camera và các thông số trên máy vi tính.
Ê-kíp xạ trị cài đặt thông số máy và điều chỉnh tư thế của người bệnh nằm đúng với tư thế như khi mô phỏng. Mặt nạ vùng đầu cổ được cố định với giường, nhằm hạn chế việc người bệnh xê dịch khi chiếu tia xạ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Hồ Văn Trung, Trưởng khoa Xạ trị Tổng quát, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đơn vị hiện có 13 máy xạ trị, đây là một trong những cơ sở y tế có nhiều máy xạ trị hiện đại nhất cả nước. Trong đó, 7 máy được phân bổ tại cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) và 6 máy tại cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Cùng với đó, nhân sự của 4 khoa Xạ được phân chia để vận hành máy ở 2 cơ sở. Bệnh nhân được phân loại theo nơi cư trú, tình trạng bệnh lý để đưa về cơ sở xạ trị phù hợp.
Thông thường, một ca bệnh sau khi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết và được chẩn đoán ung thư, các bác sĩ sẽ hội chẩn và lên phác đồ điều trị chi tiết. Nếu có chỉ định xạ trị, người bệnh sẽ được chuyển tới khu xạ trị để bắt đầu quy trình. Đầu tiên, người bệnh cần chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) mô phỏng nhằm cung cấp và dựng hình ảnh 3 chiều, 4 chiều hoặc cao cấp hơn phần cơ thể cần điều trị, nhằm đối chiếu tư thế nằm chuẩn trong cả quá trình xạ trị.
Tiếp đến, tại phòng Lập kế hoạch xạ trị, các bác sĩ phối hợp với kỹ sư y vật lý tính toán các thông số trường chiếu xạ, liều lượng phát tia, vị trí đi tia... để vừa đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, vừa không gây tổn thương các cơ quan lành. Quá trình lập kế hoạch có thể kéo dài vài tuần, phụ thuộc vào độ phức tạp của bệnh và vị trí ung thư.
Chiếc mặt nạ đặc biệt có công dụng vừa cố định cho tia xạ chiếu trúng đích, vừa bảo vệ các cơ quan lành lân cận vị trí xạ trị. Mặt nạ là một công cụ rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị ung thư. Các vị trí thường dùng mặt nạ xạ trị là đầu cổ, ngực. Chiếc mặt nạ này có dạng lưới giúp người bệnh dễ dàng hít thở và quan sát. Mỗi bệnh nhân sẽ được chế tác một mặt nạ riêng biệt, không thể tái sử dụng cho người khác.
Sau khi chế tác xong mặt nạ, muộn nhất là 3 tuần, bệnh nhân sẽ có lịch xạ trị. Nếu trễ hơn, chiếc mặt nạ này có thể không còn phù hợp vì người bệnh có thể tăng hoặc giảm cân, khuôn mặt có thể bị thay đổi so với thời điểm lập kế hoạch, buộc phải tạo mặt nạ mới.
Sau khi đảm bảo mọi thứ đúng với kế hoạch, ê-kíp sẽ ra khỏi phòng để không bị nhiễm xạ khi chiếu tia. Quá trình xạ trị chỉ diễn ra trong vòng 15 phút, nhưng ê-kíp phải làm việc từ 4h30 đến tối muộn mỗi ngày để đáp ứng lượng lớn bệnh nhân chờ được xạ.
Khương Nguyễn - Nguyễn Thuận