Cận cảnh từng góc cạnh của tiêm kích F-35B khi cất cánh

F-35B là chiến đấu cơ hiếm hoi trên thế giới hiện nay, có khả năng cất cánh từ hàng không mẫu hạm mà không cần máy phóng, và hạ cánh thẳng đứng mà không cần cáp hãm đà.

Tiêm kích F-35B là phiên bản đặc biệt nhất trong dòng chiến đấu cơ F-35. Đây là loại tiêm kích được thiết kế để có khả năng cất cánh với đường băng rất ngắn, và hạ cánh thẳng đứng như máy bay trực thăng.

Giống như phiên bản F-35A, chiến đấu cơ F-35B cũng chỉ có càng đáp trước với một bánh xe. Phiên bản F-35C - được thiết kế để tương thích với máy phóng trên tàu sân bay, có càng đáp trước chắc chắn hơn nhiều với bánh xe kép và nhiều hệ thống trợ lực.

Ngay phía sau càng đáp trước là cửa phụt gió của tiêm kích F-35B, cửa phụt gió này sẽ lấy gió từ nóc máy bay, thổi xuống mặt đất để giữ máy bay cân bằng khi hạ cánh thẳng đứng.

Để đảm bảo thiết kế tàng hình của mình, càng đáp và cửa phụt gió, sẽ chỉ mở nắp đậy khi cần, sau đó sẽ được đóng lại khi máy bay đã có đường bay trên không ổn định.

Động cơ của tiêm kích F-35B cũng cực kỳ đặc biệt, khi nó có khả năng xoay góc 90 độ, giúp đổi hướng luồng phụt, để máy bay có thể cất cánh trên đường băng ngắn hoặc hạ cánh thẳng đứng.

Khi đổi hướng luồng phụt 90 độ so với thông thường, nắp đậy ở phần bụng máy bay cũng sẽ được mở ra, để lộ toàn bộ khu vực ống xả của đổng cơ.

Nhiều linh kiện của động cơ F-35B cũng sẽ lộ diện khi máy bay ở trong giai đoạn này.

Với thiết kế cực kỳ phức tạp, các chiến đấu cơ F-35B ban đầu có giá thành rất cao, lên tới hơn 120 triệu USD cho một chiếc. Ở những lô tiếp theo, giá thành của tiêm kích F-35B đã giảm xuống còn khoảng 80 triệu USD cho mỗi chiếc.

Cận cảnh động cơ của F-35B khi chỉnh hướng luồng phụt và cánh cửa nắp phần bụng động cơ.

Để đảm bảo kết cấu tàng hình, toàn bộ động cơ của tiêm kích F-35B nói riêng và dòng F-35 nói chung, sẽ được đặt bên trong phần vỏ tàng hình - thay vì đặt lộ thiên hoàn toàn như trên tiêm kích Su-57.

Trong nhiều thử nghiệm, tiêm kích F-35B thậm chí còn có khả năng cất cánh thẳng đứng, tuy nhiên cách cất cánh này sẽ khiến động cơ và khung thân của máy bay giảm tuổi thọ.

Tới nay, F-35B vẫn là loại chiến đấu cơ có nhiều bê bối nhất trong dòng tiêm kích F-35 của Mỹ, khi nó có giá thành cực kỳ đắt đỏ, và vẫn còn tồn tại rất nhiều lỗi chưa thể khắc phục. Nguồn ảnh: Sina.

Cận cảnh máy bay chiến đấu F-35B với khả năng cất cánh thẳng đứng. Nguồn: USAF.

Trần Trân

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/can-canh-tung-goc-canh-cua-tiem-kich-f-35b-khi-cat-canh-1579516.html