Cán bộ, đảng viên lấy '7 dám' để soi rọi mình

Rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là cách làm thiết thực nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đồng thời, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa', củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.

Đề cao trách nhiệm nêu gương của từng cán bộ, đảng viên

Đề cao trách nhiệm nêu gương của từng cán bộ, đảng viên

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc đánh giá đúng vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người nhấn mạnh: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Chính vì vậy, Người đặt lên hàng đầu công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, trước hết là về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trong đó có vai trò nêu gương.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đề cập về vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Để được Nhân dân tin yêu, quý trọng và xứng đáng là người lãnh đạo của Nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự tiên phong, gương mẫu cả về phẩm chất, nhân cách, đạo đức, tri thức… luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết, thực sự là người đầy tớ trung thành của Nhân dân, làm tròn bổn phận mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời, khẳng định nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người cán bộ, đảng viên trước Nhân dân. Sau khi các nghị quyết, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được ban hành, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp đã quán triệt sâu sắc và nghiêm túc thực hiện. Ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, quan liêu và mọi biểu hiện tiêu cực trong cơ quan, đơn vị và địa phương; góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn có những hạn chế nhất định. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt, quán triệt không nghiêm túc, nhận thức chưa thật đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, yêu cầu và nội dung, biện pháp nêu gương, dẫn đến tình trạng chưa rõ trách nhiệm và nghĩa vụ nêu gương, chưa thật sự mẫu mực trong lời nói, việc làm, trong rèn luyện, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, sinh hoạt; còn có những biểu hiện “nói không đi đôi với làm”, “nói nhiều, làm ít”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đang đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, “nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN”. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi phải nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam.

Một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho các nhiệm vụ, giải pháp trên đạt hiệu quả là phải phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu các cán bộ, đảng viên đều hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình thì các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại sự phát triển cho đất nước. Các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên cần hiểu rõ nội hàm “7 dám” (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung) để tham mưu cho đúng, trúng, mang lại hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cho đơn vị mình.

Thực hiện tinh thần “7 dám” là giải pháp rất quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, lấy “7 dám” soi rọi vào từng cương vị chức trách, nhiệm vụ cán bộ, đảng viên để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu thiếu hoặc coi nhẹ, cán bộ không những không hoàn thành nhiệm vụ mà dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống.

Thực hiện nêu gương là thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, là cam kết chính trị của cán bộ, đảng viên đối với chính mình và đối với toàn Đảng, toàn dân. Việc các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi người; chức vụ càng cao càng phải nêu gương mẫu mực, tạo sự lan tỏa từ trên xuống dưới, củng cố lòng tin yêu của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh.

M.T

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/can-bo-dang-vien-lay-7-dam-de-soi-roi-minh-a396174.html