Căn bệnh khiến nhiều chị em vật lộn với cân nặng, có người chỉ còn 20 kg
Căn bệnh này đã khiến nhiều người phụ nữ chỉ còn lại 'bộ xương khô'.
Ám ảnh ngoại hình là một trong những hiện tượng thường thấy ở phụ nữ chúng ta, đặc biệt là các chị em vừa sinh con. Chúng ta thường xuyên so sánh bản thân với quá khứ hoặc với người khác. Các biện pháp giảm cân hoặc tăng cân tiêu cực đều dễ gây ra bệnh lý rối loạn ăn uống.
Rối loạn ăn uống là một bệnh lý tâm thần, biểu hiện qua những hành vi ăn uống bất thường và những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực liên quan đến thức ăn và cơ thể. Thay vì ăn uống để cung cấp năng lượng cho cơ thể, người mắc rối loạn ăn uống thường sử dụng thức ăn như một cách để đối phó với các vấn đề cảm xúc hoặc kiểm soát cuộc sống.
Chán ăn tâm thần (Anorexia Nervosa): Người bệnh cố tình hạn chế lượng thức ăn nạp vào, sợ tăng cân và có hình ảnh cơ thể méo mó.
Bulimia Nervosa: Đặc trưng bởi các chu kỳ ăn quá nhiều (binge eating) và hành vi bù trừ như nôn mửa, lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc tập thể dục quá mức.
Rối loạn ăn uống vô độ (Binge Eating Disorder): Người bệnh thường xuyên ăn quá nhiều, cảm thấy mất kiểm soát và có cảm giác tội lỗi sau khi ăn.
Như trường hợp của Valeria Levitin (Nga), cô nàng này từng gây sốc với thân hình gầy nhất thế giới. Valeria cao 1m73, chỉ nặng 25 kg. Nguyên nhân khiến cô trở nên "ốm trơ xương" là do nhiều năm giảm cân cực đoan thời thiếu nữ. Chính mẹ của Valeria Levitin đã miệt thị cô khiến người phụ nữ này luôn bị tự ti với chính mình. Với mong muốn sở hữu ngoại hình hoàn hảo, Valeria Levitin đã tự hủy hoại cuộc đời mình.
"Mỗi ngày, tôi đều nghe những lời chỉ trích từ mẹ nên dần bị ám ảnh về cân nặng. Đấy cũng là một phần nguyên nhân khiến tôi suy sụp, ép bản thân giảm cân và trở thành người gầy nhất thế giới như hiện tại. Tôi loại bỏ hoàn toàn đường và Carbohydrate trong khẩu phần ăn”, Valeria Levitin tâm sự.
*Lưu ý: Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, đặc biệt là cho não. Khi thiếu carbohydrate, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, khó tập trung và giảm hiệu suất làm việc.
Việc cắt giảm đột ngột lượng carbohydrate có thể dẫn đến tình trạng hạ đường huyết, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, nhức đầu, tim đập nhanh, thậm chí là ngất xỉu.
Nhiều loại thực phẩm giàu carbohydrate cũng là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng như vitamin B, vitamin E, magie và kali. Việc loại bỏ hoàn toàn carbohydrate có thể dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng này. Thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết có thể gây ra các vấn đề về tâm trạng như trầm cảm, lo âu.
Mỗi người có một cơ địa khác nhau, do vậy phương pháp giảm cân có thể phù hợp với người này nhưng chưa chắc có hiệu quả với những người khác. Hãy tìm hiểu rõ về sức khỏe cơ thể trước khi bước vào quá trình giảm cân. Bạn nên bảo đảm chế độ ăn uống lành mạnh với lượng calo phù hợp để giảm mỡ thay vì hoàn toàn bỏ đói bản thân. Ngoài ra, phương pháp để cơ thể trao đổi chất tốt nhất chính là uống đủ nước và tập thể dục.