Cảm xúc trên đường hành quân ngày 30/4/1975

Tối ngày 21/4, tại sự kiện Nối liền Việt Nam, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã chia sẻ những chi tiết trên đường hành quân vào ngày thống nhất đất nước.

 Tiến sĩ khoa học quân sự, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng. Ảnh: VTV.

Tiến sĩ khoa học quân sự, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng. Ảnh: VTV.

Tiến sĩ khoa học quân sự, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nguyên là Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp. Hiện ông đang đảm nhiệm cương vị chủ tịch câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20.

Trong sự kiện Nối liền Việt Nam được tổ chức bởi câu lạc bộ vào tối ngày 21/4, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã chia sẻ về những cảm nhận, chi tiết trên đường hành quân vào giải phóng TP.HCM cùng đồng đội vào ngày 30/4 của 48 năm trước.

Đối với ông, 30/4/1975 là một ngày trời đẹp, những áng mây trôi nổi, cầu vồng lung linh xuất hiện ở xa xa phía tây sau một cơn mưa rào. Cả đoàn bộ binh quây quần bên nhau. Không khí lúc đó tưởng chừng như cuộc hội ngộ của một gia đình lớn. Ai nấy đều phấn khởi và hào hứng hướng về TP.HCM. Họ vui vì đất nước được thống nhất, không còn chiến tranh. Sau ngày hôm nay, tất cả đều sẽ bắt đầu một cuộc sống mới.

Khi tiến vào thành phố, từng đoàn người đổ xuống đường như lũ. Có những lá cờ giải phóng được căng lên trên tầng lầu cao khiến đoàn binh ngỡ ngàng không biết bà con đã chuẩn bị từ khi nào.

 Tiến sĩ khoa học quân sự, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ tại buổi giao lưu Nối liền Việt Nam. Ảnh: Mãi mãi tuổi 20.

Tiến sĩ khoa học quân sự, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ tại buổi giao lưu Nối liền Việt Nam. Ảnh: Mãi mãi tuổi 20.

"Tôi nhớ mãi ngày hôm ấy. Những đồng chí bị thương ở đó cũng cố đứng dậy để ăn mừng cho nên không khí ngày 30/4 thật là phấn khởi, vui mừng. Tôi nghĩ rằng không chỉ ở miền Nam mà tất cả vùng quê cũng có sự vui mừng như vậy", trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tâm sự.

Những nỗi niềm trào dâng trào trong lòng người chiến sĩ trước khoảnh khắc hào hùng của đất nước. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng hình dung lại những chặng đường hành quân qua. Ông chợt nhớ tới gia đình, người thân, người yêu. Một câu hỏi lóe lên trong đầu ông: "Mai đây khi đất nước đã hòa bình, mình sẽ làm gì đây, tiếp tục ở lại quân đội hay đi làm việc khác?".

Chỉ một thoáng mà hàng trăm suy nghĩ lẫn lộn trong niềm vui khôn xiết hiện lên trong đầu. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng còn cảm thấy bịn rịn trong khoảnh khắc chia tay những người đồng đội. Ông nhớ về những khoảnh khắc, cả đoàn quân mắc võng trong rừng, trò chuyện, cười nói. Người từ Hà Nam, người từ Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Đồng chí nào cũng thổ lộ hết những hẹn ước riêng khi ngày hòa bình lập lại.

Trao tặng bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam

Những ngày tháng vào sinh ra tử của đồng đội và ngày 30/4 đặc biệt đó khiến trung tướng Đoàn Sinh Hưởng không sao quên được những người đã nằm lại vĩnh viễn nơi chiến trường lạnh giá. Ông thành lập quỹ Mãi mãi tuổi 20 nhằm tri ân những gia đình có thương binh, liệt sĩ. Năm 2020, quỹ Mãi mãi tuổi 20 cùng Câu lạc bộ “Trái tim Người lính”, nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. Bộ sách gồm 4 tập, gồm 31 nhật ký của 31 tác giả do đại tá, nhà văn Đặng Tuấn Hưng làm chủ biên.

 Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Đây là quá trình tìm kiếm 16 năm, ghi chép lại câu chuyện có thật về những gia đình liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bộ sách tập hợp rất nhiều bút tích trong các cuốn nhật ký của các chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh tại sa trường. Đặc biệt, 2/3 tác giả đã không còn nữa, một số hy sinh, một số là thương binh vì di tích chiến tranh quá nặng nề rồi qua đời.

Thông qua chia sẻ của trung tướng Đoàn Sinh Hưởng và thông tin trong Nhật ký thời chiến Việt Nam, những người tham gia chương trình, đa phần là sinh viên hiểu hơn về những mất mát trong chiến tranh.

Đây là hoạt động khuyến khích các bạn trẻ tìm hiểu thêm về lịch dân tộc qua sách vở, từ những câu chuyện đời thường của lớp người đã hy sinh vì độc lập tự do. Chương trình đã gửi tặng tới sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam với mong muốn lan tỏa giá trị truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" tới nhiều thế hệ.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cam-xuc-tren-duong-hanh-quan-ngay-3041975-post1424311.html