Cấm đảng viên 'tư duy nhiệm kỳ', 'đoàn kết xuôi chiều' là rất đúng
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, Quy định mới về những điều đảng viên không được làm góp phần chống tiêu cực trong lĩnh vực tư tưởng chính trị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định 47 năm 2011.
Bên hành lang kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết, quy định mới giữ nguyên 19 điều như trước, kế thừa cơ bản nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, XIII.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Nhiều quy định hoàn toàn mới
Theo ông Lê Thanh Vân, Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, có một số điều hoàn toàn mới so với Quy định 47 năm 2011.
Như Điều 11 quy định đảng viên không được lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trước đó, Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nay Quy định 37 ban hành như "lá chắn" để ngăn chặn những ai lợi dụng danh nghĩa vì lợi ích chung, mượn cái mũ "dám nghĩ, dám làm" để làm khác, làm trái, làm sai quy định vì lợi ích riêng.
Điều 3 quy định đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng.
"Quy định này là cần thiết, đúng đắn và kịp thời bởi vì đã là đảng viên thì việc đầu tiên phải thừa nhận đường lối, cương lĩnh và tôn chỉ mục đích của đảng. Quy định này là hợp với logic, đảng viên trước hết phải tự nguyện thừa nhận, đi theo con đường mà Đảng Cộng sản đã lựa chọn. Con đường đấy lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho hành động", ông Vân nói.
Về quy định cấm "tư duy nhiệm kỳ", đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đặt vấn đề cấm tư duy nhiệm kỳ là nhằm vào 2 nhóm: nhóm không đủ năng lực để hoạch định chính sách và nhóm xây dựng chính sách theo nhiệm kỳ để bảo vệ lợi ích nhóm. Nhóm thứ hai đặc biệt nguy hiểm.
Ở nhóm thứ nhất, theo phân tích của vị đại biểu tỉnh Cà Mau, có thể thấy, tính ổn định của chính sách tùy thuộc vào chất lượng trí tuệ của lực lượng làm ra chính sách. Lực lượng đó gọi là tinh hoa, ở từng cấp một, khi xây dựng đường lối, hoạch định chính sách cho cả nhiệm kỳ, phải gắn với tầm nhìn xa, rộng và thích hợp với từng giai đoạn.
Chiến lược đó phải được kế hoạch hóa, trong đó có gắn với lộ trình thực hiện, có trật tự ưu tiên từ thấp đến cao, gần đến xa, thì chính sách mới ổn định. Nhưng chất lượng trí tuệ của cán bộ hoạch định chính sách nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ khiến chính sách phải thay đổi liên tục, thậm chí có những kế hoạch chưa tồn tại được 1 năm đã phải thay đổi.
Nhóm thứ hai là lợi ích nhóm, mặc dù họ biết việc đó có tầm nhìn xa, lợi ích xa cho dân, cho nước, nhưng người ta không làm. Đã ổn định rồi nhưng vẫn muốn sửa cục bộ, ngắn hạn để phục vụ lợi ích cho họ, giúp họ dễ bề thao túng, trục lợi. Thậm chí, tinh vi hơn, là họ mượn bàn tay tập thể để hợp thức hóa bằng biểu quyết tập thể, đây là điều rất nguy hiểm.
Vì thế, theo đại biểu Lê Thanh Vân, phải cấm "tư duy nhiệm kỳ", "đoàn kết xuôi chiều" là quy định hết sức đúng đắn.
Về điều 13 quy định: Đảng viên không được can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đây là quy định mới, thể hiện bảo vệ tính độc lập của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là cơ quan thanh tra. Việc không can thiệp vào hoạt động tư pháp, thanh, kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng ý chí cá nhân áp đặt, chống oan sai, chống lợi ích nhóm.
Nhiều quy định bổ sung phù hợp với thực tiễn
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Quy định 37 bổ sung một số điều cho phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu mới.
Như quy định cấm đảng viên không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp, ông Vân cho rằng điều này không mới, nhưng đưa vào Quy định 37 lần này để thể hiện tính thời sự của vấn đề.
Tình trạng sử dụng bằng giả đang diễn ra phức tạp, cần phải đưa vào quy định cấm để đảng viên thực hiện, nếu vi phạm sẽ quy định xử lý nghiêm minh.
Cho rằng việc sử dụng bằng cấp giả là việc làm man trá, “dối Đảng, lừa dân”, phản ánh sai bản chất thực của trình độ học vấn, vị đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh: "Lúc này đất nước đang cần những người thực sự có trí tuệ. Người dân bây giờ dị ứng vô cùng với những cán bộ “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, hành xử thì lộng hành. Cứ có quyền lăm lăm trong tay như người cầm cái búa, nhân dân là cái đinh, lúc nào cũng sẵn sàng đóng".