Cải cách công tác quản lý trị giá hải quan: Hướng đến mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh

Đây là một trong những mục tiêu của Đề án cải cách công tác quản lý trị giá hải quan đến năm 2023 (gọi tắt là Đề án) vừa được Tổng cục Hải quan phê duyệt.

Công chức Hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. (Ảnh minh họa)

Cần giải pháp xử lý các vướng mắc

Quản lý trị giá hải quan là một lĩnh vực kỹ thuật nghiệp vụ đặc thù, giữ vai trò then chốt trong hoạt động quản lý hải quan nói chung, quản lý thuế đối với hàng hóa nói riêng. Liên quan đến công tác này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai từng đánh giá, trong thời gian qua, công tác quản lý trị giá hải quan đã được Bộ Tài chính quan tâm, chỉ đạo Tổng cục Hải quan tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả.

Nổi bật, đã chuyển hóa toàn bộ các phương pháp xác định trị giá hải quan vào Luật Hải quan và các văn bản pháp quy như Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 39/2015/TT BTC của Bộ Tài chính; đã xây dựng các văn bản quy trình, quy chế hướng dẫn công chức hải quan thực hiện kiểm tra, xác định trị giá hải quan trong quá trình thông quan hàng hóa; đã tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ xác định trị giá hải quan và kiểm tra trị giá hải quan từ năm 2003 đến nay.

Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, hệ thống quản lý trị giá hải quan đã bộc lộ một số vấn đề cần được nghiên cứu và có các giải pháp xử lý để nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực của công tác này. Chẳng hạn như chưa có quy định rõ ràng và thống nhất hướng dẫn, xác định những tài liệu, chứng từ liên quan đến công tác xác định trị giá trong hồ sơ hải quan; chưa có quy định chi tiết về kiểm tra mức giá kê khai trong khi tham vấn giá; chưa có quy định chi tiết về kiểm tra và xác định trị giá hải quan trong kiểm tra sau thông quan; thông tin phục vụ công tác kiểm tra, xác định trị giá hải quan còn thiếu; công tác tổ chức thu thập thông tin, trao đổi thông tin trong ngành và ngoài ngành Hải quan, trong và ngoài ngành Tài chính còn hạn chế.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng Đề án Cải cách chính sách công tác quản lý trị giá hải quan trên cơ sở tuân thủ các quy định của Hiệp định trị giá (GATT), Công ước Kyoto và các cam kết, chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tuân thủ Luật Hải quan, phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số. Bộ yêu cầu Đề án này phải nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trị giá hải quan hướng đến việc thực thi công tác quản lý trị giá đầy đủ, tuân thủ đúng quy định các chuẩn mực quốc tế, quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, quản lý thuế và pháp luật liên quan.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật hải quan

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục Hải quan đã tập trung triển khai xây dựng dự thảo Đề án và mới đây đã thông qua Đề án cải cách công tác quản lý trị giá hải quan đến năm 2023. Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, cải cách hoạt động quản lý trị giá hải quan nhằm phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 để thực hiện mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, đảm bảo hiệu quả xuyên suốt qua các cấp quản lý và trong sự phối hợp giữa các khâu quản lý hải quan.

Đề án được ban hành nhằm xác định lộ trình để sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp đảm bảo hiệu quả quản lý trị giá hải quan trong tương quan với mô hình Hải quan thông minh, Hải quan số theo Đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể ngành Hải quan và Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Qua đó, xây dựng mô hình quản lý trị giá hải quan khép kín từ khâu trước, trong và sau thông quan; tăng cường phối hợp giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý Nhà nước khác có liên quan.

Đề án cũng là cơ sở để kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực của cán bộ, công chức làm công tác quản lý trị giá hải quan theo định hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, tập trung và thống nhất.

Ngoài ra, Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng và vận hành có hiệu quả cơ chế trao đổi, thu thập thông tin để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về trị giá hải quan đầy đủ, có độ tin cậy cao; nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, công nghệ số hóa và bigdata vào công tác quản lý trị giá hải quan.

Đề án còn đặt ra mục tiêu thực hiện các chương trình hợp tác, đối tác với cộng đồng doanh nghiệp (DN) để nâng cao nhận thức của người khai hải quan về công tác quản lý trị giá hải quan. Từ đó, xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tuân thủ tốt pháp luật hải quan, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát các DN không tuân thủ pháp luật...

Theo đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu, giai đoạn trước mắt, cơ quan Hải quan sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc trao đổi thông tin nội ngành và với các cơ quan ngoài ngành, nhất là cơ quan Thuế nội địa để công chức hải quan làm việc trong lĩnh vực quản lý trị giá được trang bị nhiều thông tin phục vụ công việc. Việc trao đổi, kết nối thông tin điện tử trong giai đoạn này sẽ làm nền tảng cho việc kết nối, chia sẻ thông tin trong điều kiện Hải quan số, Hải quan thông minh sau này.

C.Thành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cai-cach-cong-tac-quan-ly-tri-gia-hai-quan-huong-den-mo-hinh-hai-quan-so-hai-quan-thong-minh-post466839.html