Cách xử trí phát ban và ngứa ở trẻ khi mắc COVID-19
Khi nhiễm virus SARS-CoV-2, cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch để loại bỏ virus xâm nhập. Quá trình này sẽ kích thích tế bào dưỡng bào, các tế bào bạch cầu phóng thích ra nhiều hóa chất trung gian gây hiện tượng viêm và giãn mạch máu dưới da, khiến cho da có màu đỏ. Phát ban còn do nhiễm trùng trực tiếp ở các mô da do SARS-CoV-2.
Phát ban thường xuất hiện xung quanh khuỷu tay hoặc đầu gối, mặt sau của bàn tay và bàn chân, đôi khi có thể đóng vảy, hình thành mụn nước và không có xu hướng ảnh hưởng đến da mặt. Phát ban cũng có thể xảy ra ở ngón chân (còn gọi là "ngón chân Covid") gây ra các mảng đổi màu và sưng tấy một hoặc nhiều ngón chân. Khu vực bị ảnh hưởng có thể bị đau, ngứa hoặc có cảm giác nóng.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Chuyên khoa Nhi - Bệnh viện Quân y 103, dấu hiệu phát ban, mẩn ngứa và viêm da thường gặp ở trẻ mắc COVID-19 chủng Omicron.
Một số cách xử trí hiệu quả mà bác sĩ Cường đưa ra đó là:
Hạn chế gãi ngứa
Khi bé ngứa hãy xoa tay nhẹ nhàng để giảm ngứa vì gãi ngứa chỉ giảm lúc đầu; Cắt ngắn móng tay và dũa cho trẻ để tránh làm tổn thương da; Đeo bao tay cho trẻ khi ngủ để tránh trẻ tự ý gãi; Băng vùng da bị viêm để bảo vệ da và chống trầy xước.
Tắm nước ấm
Tắm cho trẻ với nước ấm có pha baking soda hoặc bột yến mạch sẽ giúp giảm triệu chứng. Lưu ý nên tắm nước vừa ấm trong 10 phút, bôi kem dưỡng ẩm khi làn da vẫn còn giữ ẩm sau khi tắm (khi trên da vẫn đọng các giọt nước lớn, nếu để da khô kem sẽ hút nước), sau đó lau khô nhẹ nhàng.
Tránh các yếu tố gây bùng phát bệnh ở trẻ
Bác sĩ Cường khuyến cáo, cần cho trẻ tránh các dị ứng thức ăn, dị ứng lông chó mèo, mạt bụi nhà, thuốc lá,…
Đối với các loại thực phẩm cho trẻ như sữa, các loại thực phẩm dinh dưỡng, bột,... khi dùng cho bé một thời gian cần theo dõi xem trẻ có các dấu hiệu dị ứng hay không, nếu có cần phải đổi loại sữa, thực phẩm đang sử dụng.
Với quần áo cho trẻ, când chọn loại có chất liệu mềm mại, thoáng, thấm hút tốt như sợi cotton hoặc sợi thiên nhiên, tránh các loại vải cứng, vải sợi, đồ len dạ tiếp xúc trực tiếp với trẻ vì có thể khiến bé khó chịu, ngứa ngáy, kích ứng da.
Dưỡng ẩm da
Dưỡng ẩm da rất cần thiết, vừa có tác dụng chống khô da, vừa có tác dụng tránh ngứa và hạn chế tái phát. Cha mẹ nên sử dụng kem dưỡng ẩm cho trẻ trước khi đi ngủ. Thuốc mỡ cũng có tác dụng dưỡng ẩm và phù hợp với làn da nhạy cảm của trẻ hơn dưỡng ẩm dạng kem.
Ngoài ra cũng có thể sử dụng máy tạo ẩm, máy phun sương để không khí trong nhà mát mẻ, độ ẩm dễ chịu hơn, cũng giúp làn da giảm khô, ngứa, bong tróc.
Chọn sữa tắm có độ PH thích hợp cho bé
Da em bé rất mỏng và nhạy cảm. Vì vậy, khi độ PH ở da bé cân bằng bởi sữa tắm hợp lý sẽ giảm kích ứng da. Đặc biệt, không được tắm lá mát (quan niệm từ xưa nhưng thực tế làm khô da bé).
Sử dụng thuốc giảm các triệu chứng
Các thuốc Diphenhydramine, Chlopgeniramin (kháng histamin) sẽ giúp giảm ngứa, giảm gãi gây tổn thương da ở bé (cần chỉ định bác sĩ). Aerius 5mg, Deslotaradin và Lotaradin giúp giảm ho, giảm ngứa nhưng tác dụng phụ có thể gây buồn ngủ.
Thuốc chống viêm sẽ gồm hydrocortison 1-2,5% để hạn chế kích ứng da (cần chỉ định bác sĩ). Còn nếu nhiễm trùng còn cần thêm kháng sinh (cần chỉ định bác sĩ).