Cách một quốc gia châu Âu 'đánh bại' lạm phát ngoạn mục
Khi nhiều quốc trên toàn cầu phải chống chọi với lạm phát cao thì Thụy Sỹ 'đánh bại' lạm phát một cách ngoạn mục.
Lạm phát ở Thụy Sỹ đạt mức cao nhất trong 29 năm là 3,5% vào năm 2022. Mặc dù vẫn ở mức cao theo tiêu chuẩn của đất nước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hai con số tại các nền kinh tế tiên tiến khác, như Mỹ (9,1%), Vương quốc Anh ( 11,1 % ) và khu vực đồng Euro (10,6%).
Vậy những yếu tố nào giúp Thụy Sỹ tránh lạm phát tràn lan?
Sự ổn định của đồng Franc
Thụy Sỹ là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người vượt xa các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật Bản và Đức.
Đây cũng là nơi sinh sống của một số công dân giàu nhất thế giới, với tài sản trung bình là 696.604 USD/người lớn.
Theo Economist Intelligence Unit, hai thành phố Zurich và Geneva của Thụy Sỹ giữ vững vị trí trong Top 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới vào năm ngoái, ngay cả khi lạm phát đẩy chi phí sinh hoạt ở những nơi khác - chẳng hạn như Singapore và New York lên cao. Do đó, người dân Thụy Sỹ thường ít bị ảnh hưởng bởi việc giá cả hàng hóa tăng cao.
Một lý do khác cho sự ổn định của giá cả hàng hóa tại quốc gia này chính là nhờ đồng Franc mạnh.
Trong khi nhiều loại tiền tệ lao dốc so với đồng USD thì đồng Franc vẫn ổn định.
Đồng tiền của quốc gia này đã liên tục mạnh lên, tăng giá trị để đạt mức ngang giá so với đồng Euro vào năm 2022.
Nguyên nhân chính là do đồng Franc giống như một tài sản phòng thủ an toàn. Đồng nội tệ Thụy Sỹ được hỗ trợ mạnh mẽ bởi quốc gia này dự trữ vàng, trái phiếu và tài sản tài chính lớn, giúp Ngân hàng Quốc gia đảm bảo sự ổn định của đồng tiền trong thời kỳ biến động.
Điều đó cũng có lợi cho Thụy Sỹ, một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế.
Quốc gia này nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trị giá khoảng 302 tỷ USD mỗi năm, phần lớn trong số đó đến từ các nước láng giềng trong khối Liên minh châu Âu (EU). Đồng Franc mạnh hơn giúp giá những mặt hàng nhập khẩu giảm, giữ cho "túi tiền" của quốc gia luôn ổn định.
Trong khi đó, đất nước này xuất khẩu gần 305 tỷ USD hàng năm - phần lớn bao gồm hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao như đồng hồ và dược phẩm. Đây là những mặt hàng ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá hơn so với hàng hóa sản xuất hàng loạt.
Nguồn cung năng lượng ổn định
Năm ngoái, Thụy Sỹ ít bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bên ngoài đẩy giá cao, chẳng hạn như chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Là nơi có địa hình đồi núi và hơn 1.500 hồ, Thụy Sỹ ít phụ thuộc vào nhập khẩu dầu khí hơn so với một số nước láng giềng châu Âu. Trong đó, thủy điện đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho quốc gia này.
Các nhà cung cấp năng lượng của Thụy Sỹ cũng phần lớn thuộc sở hữu nhà nước. Điều đó có nghĩa là họ ít bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường thông qua mạng lưới an toàn tài chính, đồng thời chịu sự điều tiết về giá chặt chẽ hơn các doanh nghiệp tư nhân.
Vào cuối năm 2022, giá năng lượng ở Thụy Sỹ tăng với tốc độ 16,2% - thấp hơn mức mà các quốc gia lớn khác phải đối mặt như Đức (25%), Hà Lan (30%), Anh (52,3%) và Italy (64,7%).
Cơ quan quản lý năng lượng của đất nước dự kiến giá sẽ tăng thêm 27% vào năm 2023, với hóa đơn năng lượng trung bình của hộ gia đình sẽ tăng lên mức 1.215 Franc (tương đương 1.238 USD).
Ông Jean-Claude Huber, quản lý khách sạn Piz Buin Klosters ở phía Đông Thụy Sỹ nhận định, việc tiêu chuẩn hóa các hợp đồng năng lượng dài hạn đã giúp bảo vệ các doanh nghiệp khỏi bất kỳ đợt tăng giá lớn nào trong năm nay.
Kiểm soát giá đối với hàng hóa và dịch vụ
Bên cạnh năng lượng, Thụy Sỹ cũng "mạnh tay" kiểm soát chặt chẽ giá cả hàng hóa và dịch vụ. Nhờ vậy, quốc gia này ít bị ảnh hưởng bởi những biến động do lạm phát.
Trong số các sản phẩm cốt lõi được sử dụng để đo lường lạm phát ở khu vực đồng Euro (bao gồm thực phẩm, nhà ở và vận tải), gần 30% sản phẩm chịu sự điều chỉnh giá ở Thụy Sỹ. Nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào.
Giá thực phẩm tại đất nước này tăng với tốc độ hàng năm là 4% trong tháng 12 năm ngoái, so với 11,9% ở Mỹ, 16,9% ở Anh và 19,8% ở Đức.
Mức thuế cao đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu cũng có nghĩa là thực phẩm sản xuất trong nước, (chẳng hạn như sữa và pho mát) có giá ưu đãi hơn và ít bị ảnh hưởng bởi các biến động trên thị trường thực phẩm toàn cầu. Điều đó đã giúp kích thích nền kinh tế của đất nước.
Ông Huber cho biết: "Trong năm 2022, chúng tôi cố gắng mua càng nhiều hàng Thụy Sỹ càng tốt".
Điều đó không có nghĩa là người tiêu dùng Thụy Sỹ hoàn toàn "miễn nhiễm" với những đợt tăng giá gần đây. Người dân địa phương chia sẻ, giá thuê nhà ở và một số sản phẩm thực phẩm đã tăng lên trong năm qua.
Tuy nhiên, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ cho biết vào tháng 12 rằng lạm, phát sẽ giảm xuống mức trung bình 2,4% vào năm 2023, trước khi đạt 1,8% vào năm 2024 - dưới mục tiêu 2% của đất nước. Các nhà kinh tế nhận định, điều đó không có khả năng gây tổn hại cho nền kinh tế.
GS. Tobias Straumann tại Đại học Zurich nói: “Ngay cả khi chúng ta có một kịch bản suy thoái, mọi người vẫn tiếp tục mua hàng và điều đó sẽ giúp ổn định nhu cầu trong nước. Tôi mong đợi điều tương tự cho năm nay và có thể là cả năm 2024".
Ngoài ra, theo GS. Straumann, việc quốc hữu hóa nguồn cung cấp năng lượng của Thụy Sỹ đã mang lại một bài học quan trọng cho các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia ở châu Âu.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cach-mot-quoc-gia-chau-au-danh-bai-lam-phat-ngoan-muc-218171.html