Các trường hợp người thi hành nhiệm vụ được nổ súng không cần cảnh báo

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định 7 trường hợp người thi hành nhiệm vụ được nổ súng không cần cảnh báo.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới được Quốc hội thông qua trong ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 7 (29/6) với tỷ lệ tán thành cao.

Điều 23 của luật quy định các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ độc lập để bảo đảm an ninh, trật tự.

Cụ thể, người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng:

Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Các chiến sỹ Cảnh sát đặc nhiệm phối hợp với Khoa Cảnh sát vũ trang, Học viện Cảnh sát nhân dân diễn tập trấn áp tội phạm. Ảnh: Sơn Tùng

Các chiến sỹ Cảnh sát đặc nhiệm phối hợp với Khoa Cảnh sát vũ trang, Học viện Cảnh sát nhân dân diễn tập trấn áp tội phạm. Ảnh: Sơn Tùng

Người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác...

Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Được nổ súng vào phương tiện giao thông (trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao) để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác...

Luật cũng quy định 7 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo:

Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, bạo loạn, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó.

Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ.

Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp vũ khí quân dụng của người thi hành công vụ.

Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện không người lái trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, mục tiêu bảo vệ.

Không quy định 'bắn chỉ thiên' để trấn áp đua xe trái phép

Trước khi luật được thông qua, có ý kiến cho rằng, quy định trên quá chặt chẽ dẫn đến khó khăn cho người thực hiện nhiệm vụ. Có ý kiến đề nghị bổ sung các loại tội phạm mà người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng quân dụng, nhất là đối với đối tượng manh động, liều lĩnh, mất khả năng kiểm soát cảm xúc về nhận thức và hành vi…

Giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, một trong những nguyên tắc sử dụng vũ khí là chỉ sử dụng vũ khí “khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi”.

Trên cơ sở đó, các trường hợp nổ súng vào đối tượng quy định tại điều 23 được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Theo đó, các trường hợp được nổ súng vào đối tượng chỉ nhằm mục tiêu ngăn chặn hành vi, hạn chế thiệt hại thấp nhất về sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ, của những người có liên quan và của chính đối tượng vi phạm pháp luật. Nội dung này cũng được kế thừa quy định của Luật hiện hành, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bắn chỉ thiên đối với hoạt động đua xe trái phép, tụ tập đông người gây rối mất an ninh, trật tự và đe dọa trực tiếp tới an ninh, trật tự xã hội…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng, việc bắn chỉ thiên là một biện pháp cảnh báo, trấn áp hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng, nên dự thảo luật không quy định cụ thể về các trường hợp bắn chỉ thiên.

Dự thảo luật Chính phủ trình quy định về trường hợp nổ súng vào đối tượng, trong đó quy định việc bắn chỉ thiên là một hình thức cảnh báo trước khi nổ súng vào đối tượng.

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cac-truong-hop-nguoi-thi-hanh-nhiem-vu-duoc-no-sung-khong-can-canh-bao-2296650.html