Các nhà sản xuất Mỹ kêu gọi biện pháp bảo hộ mạnh mẽ hơn trước hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

Một nhóm chính sách do liên minh United Steelworkers và các nhà sản xuất trong nước dẫn đầu đang kêu gọi Mỹ ban hành các rào cản thương mại mạnh mẽ hơn đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc sau khi Tổng thống Joe Biden ban hành mức thuế cao đối với xe điện, tấm pin mặt trời và các hàng hóa quan trọng khác của Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu (14/6), Liên minh Sản xuất Mỹ (AAM) đã công bố một báo cáo mới về năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc, phản ánh mối lo ngại mà chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh của Mỹ đưa ra trong những tháng gần đây, với quan điểm cho rằng cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn làn sóng hàng hóa giá rẻ và trợ cấp xuất khẩu đang đe dọa việc làm của Mỹ.

AAM kêu gọi đưa công cụ chống đột biến nhập khẩu đã hết hạn quay trở lại, biện pháp này trước đây được tạo ra khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 - sự kiện đã biến Trung Quốc thành một cường quốc xuất khẩu toàn cầu.

Trong đó, biện pháp bảo vệ Mục 421 được thiết kế để cho phép Mỹ áp thuế quan tạm thời nhằm giảm bớt sự gián đoạn thị trường do sự gia tăng nhập khẩu từ cơ sở sản xuất chi phí thấp của Trung Quốc vốn được chào đón vào hệ thống thương mại toàn cầu vào 23 năm trước. Ý tưởng là mang lại cho các ngành công nghiệp trong nước một chút không gian thoải mái khi Trung Quốc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường với một sân chơi bình đẳng hơn.

Mục 421 chỉ được viện dẫn một lần vào năm 2009 bởi Tổng thống lúc bấy giờ là Barack Obama, theo yêu cầu của United Steelworkers, khi những công ty thành viên của họ bị sa thải do các nhà máy sản xuất lốp xe của Mỹ bị ảnh hưởng bởi làn sóng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hành động này đã tạm thời nâng mức thuế đối với lốp xe Trung Quốc từ mức 4% lên tới 35%, nhưng Mục 421 đã hết hạn vào năm 2013.

AAM cho biết, với sự gia tăng nhập khẩu mới đang bị đe dọa trong các ngành công nghiệp mới bao gồm xe điện, năng lượng mặt trời và chất bán dẫn, cũng như sự gia tăng liên tục trong các lĩnh vực cũ như thép, thủy tinh và lốp xe, do đó Mục 421 cần được hồi sinh và hiện đại hóa.

AAM cho biết trong báo cáo: “Bắc Kinh đã không tuân thủ các cam kết WTO và vẫn là một nền kinh tế phi thị trường…Sự hỗ trợ của nhà nước đối với các lĩnh vực quan trọng đang gây ra tình trạng dư thừa công suất lớn và đe dọa sự gia tăng nhập khẩu ở Mỹ, đòi hỏi phải khôi phục lại Mục 421”.

Đồng thời, AAM cũng kêu gọi cần phải có những thay đổi để cho phép mức thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ các nhà máy ở các nước thứ ba, chẳng hạn như Mexico và quy trình áp dụng thuế nhanh hơn trước khi gây thiệt hại vĩnh viễn cho sản lượng của Mỹ.

Báo cáo nêu ra tình trạng mất việc làm và việc đóng cửa các nhà máy trong ngành giấy, thủy tinh, thép và lốp xe của Mỹ do hàng nhập khẩu của Trung Quốc gây ra, đồng thời cho biết Mỹ cần có cách tiếp cận chủ động hơn để tránh lặp lại tình trạng này ở các lĩnh vực mới hơn. Công suất dư thừa là một "đặc điểm chứ không phải lỗi" của mô hình kinh tế do nhà nước điều hành của Trung Quốc.

Các khuyến nghị trên được công bố khi các lãnh đạo G7 gặp nhau ở Ý và cam kết trong một tuyên bố chung sẽ bảo vệ các ngành công nghiệp khỏi “các hành vi không công bằng” của Trung Quốc.

Đồng thời chúng cũng tuân theo quyết định trong tuần này của Liên minh châu Âu về việc áp dụng mức thuế từ 17,4% đến 38,1% đối với xe điện của Trung Quốc nhằm chống lại việc chính phủ trợ cấp quá mức cho lĩnh vực này.

Chủ tịch AAM Scott Paul cho biết, các khuyến nghị đưa ra được khuyến khích bởi các hành động thuế quan của Mỹ và EU, đồng thời gọi động thái của chính quyền Biden là một bước ngoặt để vượt qua tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc vào thời điểm Mỹ đang đầu tư mạnh vào quá trình chuyển đổi năng lượng mới.

Các mức thuế của châu Âu cho thấy rằng chính quyền Tổng thống Biden "không đơn độc lo ngại về tình trạng dư thừa công suất và trợ cấp xe điện của Trung Quốc. Đây là sự xác nhận rằng có những lo ngại rộng rãi về các chính sách và thực tiễn của Bắc Kinh".

Trong số các biện pháp bảo hộ khác, AAM khuyến nghị một số bước nhằm chống lại việc Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ bằng cách chuyển sản xuất sang các nước thứ ba như Mexico, bao gồm việc thông qua luật đề xuất nhằm tăng cường luật chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất từ các khoản đầu tư của nước thứ ba và tăng cường các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do của Mỹ.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cac-nha-san-xuat-my-keu-goi-bien-phap-bao-ho-manh-me-hon-truoc-hang-nhap-khau-tu-trung-quoc-post347358.html