Các nhà hát ế ẩm vì dịch Covid-19: Biến 'nguy' thành 'cơ'

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến những tháng đầu năm 2020 vốn là mùa chạy sô của các nghệ sĩ nay buồn hiu hắt…

Tài chính, tâm lý của nghệ sĩ bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, thế nhưng, khác với mọi năm, từ sau Tết Canh Tý đến thời điểm hiện tại, do lo ngại diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân không còn buồn “chơi”. Các dịp lễ như ngày tình nhân Valentine 14/2, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vốn là mùa chạy sô của các nghệ sĩ nhưng hiện tại, tất cả các chương trình biểu diễn đều đã hoãn, hủy.

Hoạt động tuyên truyền của Nhà hát Kịch Việt Nam.

NSƯT Xuân Bắc, PGĐ phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: “Hiện tại, các chỉ tiêu của quý 1/2020 của Nhà hát Kịch Việt Nam là hỏng rồi. Cuối năm 2019, đầu năm 2020, chúng tôi ra dàn dựng 2 vở kịch mới: một vở kịch hưởng ứng cuộc vận động đã uống rượu bia thì không lái xe, lên kế hoạch biểu diễn ở các tỉnh thành. Vở kịch thứ 2 mang nội dung khởi nghiệp của thanh niên, với hình thức biểu diễn nhạc kịch. Hai vở kịch này đáng lý khởi động rồi nhưng đến giờ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên vẫn án binh bất động.

Chúng tôi cũng đã có kế hoạch phối hợp với Bộ Công an, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch dựng vở kịch về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân, dự kiến tháng 7 sẽ trình diễn nhưng kế hoạch này hiện nay cũng đã tạm hoãn.

Ngoài ra, những đêm kịch biểu diễn cho các dịp lễ như Valentine hay Quốc tế Phụ nữ 8/3 mọi năm vốn rất sôi động thì đến giờ, bế tắc toàn tập. Rất nhiều đơn vị muốn đi xem nhưng bây giờ nếu tổ chức thì thật… vô duyên. Chúng tôi không dám diễn vì chưa biết dịch bệnh diễn biến như thế nào.

Chúng tôi cũng hủy rất nhiều đêm diễn, trong đó đáng tiếc nhất là đêm diễn cho các cán bộ hưu trí. Đây là hoạt động thường niên của Nhà hát Kịch Việt Nam mà cũng phải dừng lại. Tôi nghĩ khó khăn này không chỉ của Nhà hát kịch Việt Nam mà còn của nhiều Nhà hát khác”.

Các hợp đồng tại Nhà hát Múa rối Việt Nam đã hủy vì lo ngại dịch Covid-19.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: “Hiện tại, các hợp đồng của Nhà hát Múa rối mặc dù đã ký từ trước đó nhưng đã hủy hết. Dù đặc thù múa rối thì khoảng cách giữa nghệ sĩ biểu diễn và khán giả cách khá xa nhưng chúng tôi cũng xác định, nếu có vấn đề gì không may thì ảnh hưởng đến cả anh em nghệ sĩ và khán giả”.

Ngọc Quỳnh.

Việc dừng nghề quá lâu cũng ảnh hưởng đến tài chính, tâm lý của nghệ sĩ- với đặc thù công việc phụ thuộc vào những đêm diễn đầy ắp khán giả. Ngọc Quỳnh, nam chính phim “Hoa hồng trên ngực trái”-thuộc biên chế của Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: “Hiện tại tất cả các buổi diễn đông người hoặc trình diễn trên phố đi bộ của Nhà hát Kịch Hà Nội đều đã bị hủy bỏ. Các chương trình tập của Nhà hát cũng đình trệ, sân khấu thì rất hạn chế. Thông thường anh em nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ biểu diễn vào thứ 6, 7, chủ nhật hàng tuần, rồi các dịp Valentine hay Quốc tế Phụ nữ 8/3. Nhưng hiện tại tất cả các hoạt động đều đã hủy bỏ hết rồi”.

“Quan trọng nhất là sức khỏe của mọi người”

“Việc tổ chức biểu diễn của Nhà hát là quan trọng nhưng trong thời điểm này, dừng các chương trình đông người là hợp lý. Không biểu diễn phục vụ khán giả nhưng chúng tôi không để thời gian chết, mà họp và tìm ra những đường hướng phát triển Nhà hát trong tương lai. Chúng tôi cũng làm các công việc còn tồn đọng mà trong năm cũ, vì bận bịu biểu diễn mà chưa có thời gian tập trung, như: xây dựng quy chế vận hành, quy chế chi tiêu nội bộ, chỉ ra những bước đi phát triển mang tính chiến lược của Nhà hát Kịch Việt Nam”, NSƯT Xuân Bắc chia sẻ về hoạt động của Nhà hát Kịch Việt Nam khi các chương trình biểu diễn bị hoãn, hủy vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

NSƯT Xuân Bắc cũng cho biết, trong phạm vi Nhà hát, Ban lãnh đạo đã phát miễn phí khẩu trang và nước rửa tay khô cho cán bộ và người thân cán bộ Nhà hát. Chiếu những thước phim cung cấp thông tin về dịch bệnh, bố trí cho cán bộ chỉ đến cơ quan nửa buổi để đảm bảo công việc gia đình”.

NSND Nguyễn Tiến Dũng cũng xác định: “Hiện tại tuy hạn chế biểu diễn nhưng anh em nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam tập trung luyện tập chuyên môn, để khi dịch qua đi, trở lại biểu diễn sẽ phục vụ tốt nhất khán giả. Hiện tại, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng trang bị khẩu trang và nước rửa tay khô để đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Chúng tôi cũng bố trí cho các nghệ sĩ thu xếp giữa công việc cơ quan và gia đình, bởi hiện tại các học sinh đã nghỉ học đến hết tháng 2/2020. Chúng tôi xác định vấn đề lớn nhất và cần tập trung nhất thời điểm hiện tại là sức khỏe của mọi người”.

Diễn viên Chí Nhân mong dịch bệnh sớm qua.

Diễn viên Chí Nhân, gương mặt quen thuộc của Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ: “Tôi mong muốn dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát và qua đi để cuộc sống của mọi người trở lại bình thường. Có như vậy thì hoạt động nghệ thuật phục vụ khán giả mới về bình thường. Còn thời điểm hiện tại, anh em nghệ sĩ ủng hộ và chấp nhận các chỉ đạo của Nhà nước và lãnh đạo Thành phố, chung tay cùng mọi người ngăn chặn dịch bệnh”.

Thanh Hương giữ gìn sức khỏe để có đề kháng tốt phòng dịch.

“Những lúc theo đoàn đi quay, thoại phim thì không tránh được nhưng lúc nào tôi cũng sử dụng nước rửa tay khô và đeo khẩu trang. Tôi cũng cố gắng giữ sức khỏe để cơ thể có đề kháng tốt. Hiện tại, các hoạt động của Nhà hát lẫn các show diễn bên ngoài của tôi đều bị hủy hết. Nhưng quan trọng nhất là sức khỏe của bản thân và cộng đồng nên anh em nghệ sĩ đều có ý thức rất cao”, diễn viên Thanh Hương chia sẻ cách ứng phó của bản thân trước dịch bệnh./.

Tố Uyên/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/cac-nha-hat-e-am-vi-dich-covid19-bien-nguy-thanh-co-1013152.vov