Các ngân hàng triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi: Đồng hành với doanh nghiệp

Nhiều chương trình vay vốn ưu đãi đang được các ngân hàng tích cực triển khai. Đây là động thái nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thời điểm nửa cuối năm 2025.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang

Lãi suất “dễ thở”

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 18-6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024; tăng 18,71% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng tín dụng khá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi.

Tín dụng tăng trưởng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng thiết yếu và một phần vào đầu tư hạ tầng, năng lượng xanh. Việc tín dụng tăng mạnh trở lại là biểu hiện rõ nhất của niềm tin thị trường.

Các chuyên gia cũng dự báo, từ nay đến cuối năm, tín dụng có cơ hội tăng mạnh hơn nữa do ngân hàng tiếp tục triển khai các chương trình cho vay với lãi suất hấp dẫn.

Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Phi Lân cho biết, hiện có 100 tổ chức tín dụng đã phát sinh dư nợ đối với khu vực kinh tế tư nhân, trong đó khoảng 209.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn tích cực thực hiện nhiều chương trình tín dụng như: Chương trình tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chương trình 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng..., cho thấy dòng vốn tín dụng đã lan tỏa rộng khắp các phân khúc doanh nghiệp và các lĩnh vực kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay có cơ hội tăng mạnh nhờ chính sách tiền tệ hợp lý của Ngân hàng Nhà nước, cũng như niềm tin của giới đầu tư vào triển vọng kinh tế. Hơn nữa, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tín dụng vào nhiều khu vực của nền kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ logistics; nông nghiệp công nghệ cao…, với các chương trình tín dụng ưu đãi có lãi suất thấp hơn mặt bằng chung 1-2%/năm.

Đà tăng trưởng của tín dụng không thể tách rời môi trường lãi suất “dễ thở” hơn cho người vay. Được biết, biểu lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên duy trì khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm). Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,6-8,9%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,1-5,0%/năm.

Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng chất lượng

Về phía các ngân hàng thương mại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế sau khi hỗ trợ Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo) ước tăng hơn 5,0% so với cuối năm 2024; cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững. Vietcombank đã và đang triển khai 22 chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh việc tài trợ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, Vietcombank cũng tài trợ vốn cho các ngành phát triển bền vững, các lĩnh vực ưu tiên...

Riêng với khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Vietcombank triển khai nhiều chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,6%/năm. Với chương trình này, doanh nghiệp có điều kiện bổ sung vốn lưu động ngắn hạn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên, cũng như đầu tư trung và dài hạn vào máy móc, thiết bị, nhà xưởng hoặc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Hạn mức cho vay lên đến 30 tỷ đồng, với tỷ lệ cho vay đến 100% giá trị tài sản bảo đảm. Với khoản vay ngắn hạn (kỳ hạn vay 3-12 tháng), lãi suất cho vay từ 4,6%/năm; vay trung, dài hạn (trên 12 tháng), lãi suất cho vay từ 5,9%/năm.

Cùng với Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng tăng trưởng tốt, ước đạt 10% so với cuối năm 2024.

Đại diện VietinBank khẳng định, ngân hàng đang tiếp tục xây dựng các gói tín dụng chuyên biệt cho doanh nghiệp tư nhân và các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với lãi suất ưu đãi từ 5%/năm, thấp hơn mặt bằng lãi suất tiền gửi 12 tháng (hiện ở mức 5,2-5,3%/năm). Các gói vay được thiết kế riêng cho từng ngành nghề, mục tiêu kinh doanh để bảo đảm phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất. Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi quy mô lớn khác như gói 15.000 tỷ đồng lãi suất từ 3%/năm cho mùa cao điểm sản xuất và chương trình 1 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu...

Với nhiều chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt khoảng 16%. Trong đó, riêng về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng tiếp tục điều hành lãi suất ổn định nhằm bảo đảm phù hợp với mặt bằng chung của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất được dự báo ổn định, thay đổi không đáng kể so với cuối năm 2024. Điều này phản ánh nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm sự ổn định tài chính.

Thanh Nga

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cac-ngan-hang-trien-khai-nhieu-chuong-trinh-vay-von-uu-dai-dong-hanh-voi-doanh-nghiep-708090.html