Các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay cơ sở hạ tầng?
Tăng trưởng kinh tế năm nay đối mặt với những rủi ro từ hàng rào thuế quan, do đó có thể ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Trước những thách thức này, ngành ngân hàng cần có sự chuyển dịch trong chiến lược phát triển tín dụng như thế nào để đạt mục tiêu đề ra?

Các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,19% và dư nợ tín dụng tăng bình quân 4,39% trong quí 2-2025.Ảnh: LÊ VŨ
Thách thức tăng trưởng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 31-3-2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỉ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2024, gấp gần 3 lần mức tăng 1,34% của cùng kỳ quí 1-2024. Đáng lưu ý, so với cùng kỳ tháng 3-2024, dư nợ tín dụng tăng hơn 18%, cao hơn mục tiêu 16% đặt ra cho năm 2025.
Một số dự báo lạc quan cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt 17-18%, dựa trên thị trường bất động sản phục hồi và nhu cầu vay tiêu dùng, mua nhà kỳ vọng tăng trưởng tích cực trở lại. Về kết quả quí 1 vừa qua, NHNN cho biết hoạt động tín dụng tiếp tục đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế, trong đó, tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, thương mại - dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, trước rủi ro hoạt động thương mại có thể thu hẹp do các chính sách thuế quan của Mỹ, không chỉ tăng trưởng kinh tế trong năm nay có thể bị tác động tiêu cực mà nhu cầu tín dụng từ khu vực này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể phải thu hẹp hoạt động nếu hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ bị mất lợi thế cạnh tranh bởi hàng rào thuế quan.
Các ngân hàng có lẽ sẽ xem xét lại chiến lược phát triển tín dụng, bằng cách chuyển dịch phân khúc theo hướng đẩy mạnh cho vay các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra trong năm nay.
Theo giới phân tích, do tác động từ chiến tranh thương mại và chính sách thuế của Mỹ, tăng trưởng tín dụng của các ngành nghề có mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn trung bình ngành như thương mại, vận tải và viễn thông (chiếm 28,2% tổng dư nợ tín dụng) có thể sẽ chậm lại trong năm 2025.
Và không chỉ các doanh nghiệp liên quan hoạt động xuất khẩu bị tác động, nhu cầu vay vốn của các khu vực khác cũng có thể chậm lại khi triển vọng tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng tiêu cực lên cầu tiêu dùng vì thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan.
Có lẽ chính các ngân hàng cũng đang nhận thấy những thách thức này. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của NHNN, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 4,19% và dư nợ tín dụng tăng bình quân 4,39% trong quí 2-2025. Đáng lưu ý, con số 4,39% này thấp hơn mức tăng 4,66% của quí 2-2024, cho thấy các ngân hàng đang khá thận trọng với khả năng tăng truởng tín dụng trong giai đoạn tới, dù kết quả của quí 1 vừa qua tích cực.
Trước tình hình này, tăng trưởng kinh tế có thể buộc phải tìm kiếm động lực ở đầu tư từ khu vực công, bù đắp cho hoạt động thương mại và đầu tư FDI bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan. Hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng được kích hoạt gần đây đã phản ánh xu hướng này. Theo đó, các ngân hàng có lẽ cũng sẽ xem xét lại chiến lược phát triển tín dụng, bằng cách chuyển dịch phân khúc theo hướng đẩy mạnh cho vay các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra trong năm nay.
Chuyển dịch cần thiết
Ngày 19-4-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ khởi công và khánh thành đồng loạt 80 công trình trọng điểm trên toàn quốc, đánh dấu một cột mốc chưa từng có trong lịch sử phát triển hạ tầng quốc gia.
Được biết, tổng vốn đầu tư các dự án này lên đến 445.000 tỉ đồng, trong đó tổng vốn của các dự án khởi công là 305.000 tỉ đồng, tổng vốn của các dự án khánh thành là 140.000 tỉ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỉ đồng; vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỉ đồng. Điều này cho thấy dư địa phát triển tín dụng trong lĩnh vực này trong giai đoạn kế tiếp đang rất lớn.
Trước đây cho vay cơ sở hạ tầng được xếp vào lĩnh vực rủi ro vì thời gian hoàn vốn lâu, ngân hàng đối mặt với nguy cơ mất cân đối cơ cấu kỳ hạn, cũng như nhiều dự án sau đó rơi vào đình trệ, dang dở. Nhưng hiện nay, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, thủ tục liên quan đến đầu tư công được rút ngắn, doanh nghiệp lấy lại tiền đầu tư nhanh hơn, nên ngân hàng cũng có thể đẩy mạnh cho vay cơ sở hạ tầng nhiều hơn.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán TPS, tín dụng cho lĩnh vực công nghiệp (chiếm 17,1% tổng dư nợ cuối năm 2024) sẽ được đẩy mạnh theo định hướng là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong năm 2025.
Ngoài ra, liên quan đến việc thị trường bất động sản hồi phục và đầu tư công được đẩy mạnh, TPS kỳ vọng dòng tín dụng vào ngành xây dựng (chiếm 7,7% tổng dư nợ cuối năm 2024) có thể tăng tốc trong năm 2025. Thực tế số liệu tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm nay cũng cho thấy lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.
NHNN đang tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm; tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp...; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Song về lâu dài, theo giới phân tích, Nhà nước cần sớm đưa ra phương án để giúp thị trường vốn, trái phiếu, chứng khoán phát triển. Từ đó, giúp giảm gánh nặng đối với hệ thống ngân hàng, tạo ra những giải pháp tổng hòa, hỗ trợ lẫn nhau để đạt được các mục tiêu tăng trưởng tín dụng nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-ngan-hang-se-day-manh-cho-vay-co-so-ha-tang/