Các giáo sư Nhật Bản đồng loạt cảnh báo dư chấn hậu động đất hủy diệt ở Myanmar

Hai nhà nghiên cứu địa chấn Nhật Bản đã chia sẻ phân tích riêng rẽ của họ về trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tuần trước gần thành phố Mandalay ở miền Trung Myanmar.

Phay đứt gãy Sagaing kéo dài khoảng 1.500 km theo hướng Bắc - Nam, và là một trong những phay đứt gãy dài nhất thế giới

Phay đứt gãy Sagaing kéo dài khoảng 1.500 km theo hướng Bắc - Nam, và là một trong những phay đứt gãy dài nhất thế giới

Trận động đất lớn nhất trên phay đứt gãy Sagaing

Giáo sư Tsutsumi Hiroyuki của Đại học Doshisha, cho biết trận động đất xảy ra khi một đoạn dài khoảng 200 km của phay đứt gãy Sagaing di chuyển theo phương ngang. Giáo sư Tsutsumi nói rằng phay đứt gãy này bắt nguồn khi mảng kiến tạo Ấn - Úc đang đẩy về phía dãy nũi Himalaya.

Ông cho biết phay đứt gãy kéo dài khoảng 1.500 km theo hướng Bắc - Nam, và là một trong những phay đứt gãy dài nhất thế giới. Theo ông, ghi nhận từ trước tới nay cho thấy các trận động đất với cường độ từ 7 trở lên đã xảy ra trên phay đứt gãy này kể từ những năm 1800.

Dựa trên các cuộc khảo sát dưới lòng đất trước đây của mình, Giáo sư Tsutsumi ước tính rằng trên mỗi phần của phay đứt gãy, cứ 100 đến 200 năm thì lại xảy ra động đất một lần. Ông cho biết trước đó đã xảy ra động đất với cường độ từ 7 độ richter trở lên tại khu vực phía Nam trung tâm Mandalay vào năm 1839.

Số liệu sơ bộ cho thấy trận động đất hôm 28-3 có cường độ 7,7 độ richter là trận động đất lớn nhất trên phay đứt gãy Sagaing kể từ khi có dữ liệu so sánh. Giáo sư Tsutsumi nói rằng mọi người nên cảnh giác trong thời gian này do có khả năng dư chấn và các trận động đất khác có thể được kích hoạt sau trận động đất mạnh hôm 28-3.

Sóng địa chấn phá hủy vô cùng mạnh

Trong khi đó, Giáo sư Yagi Yuji của Đại học Tsukuba đã kiểm tra sóng địa chấn từ trận động đất để lập sơ đồ lan truyền rạn nứt ở phay đứt gãy này. Giáo sư Yagi cho biết rạn nứt của phay đứt gãy bắt đầu từ tâm chấn và lan rộng về phía Nam trong khoảng 10 giây trước khi tiến triển cả về phía Bắc và phía Nam. Ông nói rằng việc rạn nứt diễn ra trong tổng cộng khoảng 70 giây.

Đoàn cứu hộ cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam tối 31-3 đưa thi thể bé trai 10 tuổi ra khỏi ngôi nhà đổ sập tại Myanmar

Đoàn cứu hộ cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam tối 31-3 đưa thi thể bé trai 10 tuổi ra khỏi ngôi nhà đổ sập tại Myanmar

Giáo sư Yagi cho biết tốc độ lan truyền của tình trạng rạn nứt này có thể bằng hoặc lớn hơn vận tốc của sóng địa chấn ngang, được gọi là sóng S (sóng trượt). Theo ông, tình trạng rạn nứt có tốc độ đáng kể và lan truyền bất thường có thể đã tạo ra lực hủy diệt cực kỳ mạnh của trận động đất.

Giáo sư Yagi suy đoán rằng Thái Lan, nước giáp với Myanmar, đã bị thiệt hại đáng kể trong trận động đất này do Thái Lan nằm trên hướng rạn nứt. Ông cho biết với tốc độ rạn nứt của phay đứt gãy như vậy có thể tạo thành sóng địa chấn phá hủy vô cùng mạnh.

Theo ông, một số phần phía Nam của phay đứt gãy vẫn còn vết nứt, nên khả năng căng thẳng tích tụ ở đó sẽ tiếp tục gia tăng. Ông nói rằng cần phải cân nhắc rủi ro này.

Theo NHK

Hoàng Cường

Theo NHK

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-giao-su-nhat-ban-dong-loat-canh-bao-du-chan-hau-dong-dat-huy-diet-o-myanmar-post607637.antd