Các đảng tại Áo đối mặt áp lực ngừng sử dụng khí đốt Nga
Theo kết quả thăm dò dư luận, đảng cực hữu Tự do (FPOe) sẽ lần đầu tiên giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Áo vào ngày 29-9 tới.
Tuy nhiên, dù đảng nào nắm quyền điều hành đất nước, cũng sẽ phải đối mặt với áp lực giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga khi nền kinh tế đang giật lùi.
Với khẩu hiệu tranh cử “5 năm tốt đẹp” và “Dũng cảm thử điều mới mẻ”, FPOe đang có 27% tỷ lệ cử tri ủng hộ, chỉ đứng trước đảng Nhân dân bảo thủ cầm quyền (OeVP) với 25%.
Lạm phát, hậu quả của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine tác động tới nền kinh tế Áo cũng như uy tín của liên minh cầm quyền OeVP với đảng Xanh. Việc FPOe với đường lối thân Nga giành chiến thắng trong cuộc bầu cử có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Áo.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine đầu năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã hành động để nhanh chóng thay thế khí đốt nhập khẩu từ xứ sở bạch dương. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng thay thế thường đắt hơn, làm tăng thêm chi phí vốn đã cao do tác động của đại dịch và chiến tranh.
Áo là một trong những nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga trong Liên minh châu Âu (EU) và trong 2 năm qua, lạm phát của nước này đã vượt xa mức trung bình của EU.
Việc Áo vẫn tiêu thụ lượng lớn khí đốt nhập khẩu từ Nga (khoảng 83%) khiến nhiều nước thành viên EU không đồng tình. Trong khi đó, áp lực chính trị để rút khỏi thỏa thuận này là rất lớn. EU đã cam kết loại bỏ dần việc mua khí đốt của Nga vào năm 2027 và Bộ Năng lượng do đảng Xanh điều hành muốn đẩy nhanh quá trình này.
Đảng OeVP của Thủ tướng Karl Nehammer cũng đã cam kết giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, công ty điện chính của Vienna là Wien Energie cho biết, việc ngừng mua khí đốt của Nga từ năm 2025 có thể đẩy giá mặt hàng này lên khoảng 20% trong từ 2 đến 6 tháng.
Bởi vậy, bất kỳ đảng phái nào lên nắm quyền sau cuộc bầu cử sắp tới cũng sẽ phải vật lộn với một nền kinh tế có thể suy giảm 0,7% trong năm nay, theo dự báo của ngân hàng trung ương. Và đây có thể là năm suy thoái thứ hai liên tiếp của Áo.