Các bị cáo khai gì trước tòa?
Ngày 24/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong vụ án 'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2 ra xét xử về tội 'Đưa hối lộ', 'Nhận hối lộ', 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ' và 'Che giấu tội phạm'.
Xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm
Như Kinh tế & Đô thị thông tin, 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 bị xét xử về các tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Che giấu tội phạm".
Trong đó, bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Các bị cáo Trần Thị Quyên, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt; Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương; Nguyễn Văn Văn, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam; Lê Ngọc Tường, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam,... bị đưa ra xét xử tội "Nhận hối lộ".
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Vũ Xuân Văn, Chánh tòa Hình sự - Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thực hành quyền công tố có 3 kiểm sát viên; có khoảng 20 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.
Theo cáo trạng, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ, quyền hạn được giao, một số cá nhân tại các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ.
Các bị cáo đã làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại các địa phương; trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế đưa/nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ.
Có bị cáo lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra, làm rõ tội phạm của cơ quan chức năng.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Tùng đã nhận hối lộ 3 lần, tổng số hơn 4,4 tỷ đồng của ông Lê Văn Nghĩa. Ngoài ra, ông Trần Tùng còn lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện 7 chuyến bay của bà Bùi Thị Kim Phụng hưởng lợi số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Thị Quyên đã giúp sức bị cáo Trần Tùng nhận hối lộ 3 lần tổng số hơn 4,4 tỷ đồng của ông Lê Văn Nghĩa, hưởng lợi số tiền 300 triệu đồng; Lê Thị Phượng nhận hối lộ 2 lần, tổng số 650 triệu đồng. Bị cáo Vũ Hồng Quang đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế) để xin giấy phép của Ban Chỉ đạo chấp thuận cho 624 công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ, hưởng lợi số tiền gần 20 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương bị cáo buộc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thỏa thuận nhận hối lộ 650 triệu đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hải Dương ban hành 2 công văn chấp thuận cách ly y tế cho Công ty Sora và Công ty Biển Bạc. Các bị cáo khác trong vụ có hành vi đưa/nhận hối lộ để được cấp phép các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo,... VKSND truy tố Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an về tội "Che giấu tội phạm".
Đáng chú ý, trong số 17 bị cáo, có 13 bị cáo tại ngoại, 4 bị cáo bị tạm giam. Có khoảng 20 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Để chuẩn bị cho phiên tòa, Hội đồng xét xử đã triệu tập 53 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới phiên xử. Đặc biệt, có 7 bị cáo tại giai đoạn 1 được triệu tập tới phiên tòa với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hiện đang cải tạo tại các trại giam.
Thừa nhận việc "cầm tiền"
Là người đầu tiên đứng lên bục xét hỏi, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, khai nhận, là người được Giám đốc Sở giao nhiệm vụ tổng hợp thông tin và điều phối việc đưa công dân từ Nhật Bản về cách ly tại địa phương.
Bị cáo Tùng trực tiếp gặp và làm việc với ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh để thống nhất về các điều khoản liên quan đến việc cách ly y tế cho công dân trở về từ Nhật Bản.
Theo đó, hai bên đã thỏa thuận mức giá trọn gói cho một người là từ 17 - 18 triệu đồng, trong khi trên hợp đồng chỉ ghi nhận con số 10 - 12 triệu đồng.
Sau khi thỏa thuận xong với bị Lê Văn Nghĩa, bị cáo Trần Tùng gọi điện để bị Trần Thị Quyên đến gặp Nghĩa cùng trao đổi về việc tổ chức cách ly. Tại nhà hàng này, cả 3 cùng thống nhất về việc Quyên lo trọn gói các thủ tục cách ly cho khách tại Thái Nguyên (gồm khách sạn, ăn uống, đi lại...).
"Bị cáo Nghĩa đã chuyển hơn 11 tỷ đồng cho Quyên" - bị cáo Tùng khai nhận và cho biết, sau đó bị cáo Quyên đã chuyển cho mình hơn 2,4 tỷ đồng thông qua tài khoản của người khác. Tổng cộng, bị cáo Tùng đã nhận hối lộ 3 lần từ bị cáo Nghĩa, thông qua bị cáo Quyên, với số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Bị cáo Quyên, với vai trò người trung gian, đã giúp bị cáo Tùng thỏa thuận và nhận hối lộ, và đã hưởng lợi 300 triệu đồng từ việc này. "Bị cáo có quan hệ như thế nào đối với bà Bùi Thị Kim Phụng, đại diện Công ty Fujitravel, Nhật Bản?" - HĐXX đặt câu hỏi.
Bị cáo Tùng cho biết, thông qua Lê Huỳnh Như, nhân viên bộ phận thuê chuyến Hãng hàng không Vietjet đã quen bà Phụng. Bị cáo thừa nhận, có can thiệp, tác động để công ty của bị cáo Phụng được tổ chức chuyến bay về tỉnh Thái Nguyên cách ly.
Trong khi đó, bị cáo Lê Thị Phượng cho biết, bị cáo từng là cô giáo của Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh tật truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, giai đoạn 1) khi còn là giảng viên trường y.
Trong thời điểm dịch Covid-19, Phượng là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tham mưu, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương để công ty, doanh nghiệp tổ chức đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly trên địa bàn tỉnh; còn Hoàng là đầu mối tương tự tại Bộ Y tế.
Sau đó, Hoàng đã liên hệ Phượng để nhờ bị cáo Phượng xin công văn chấp thuận cách ly y tế của UBND tỉnh Hải Dương cho công dân về nước trên 2 chuyến bay do Công ty Sora và Công ty Biển Bạc tổ chức.
Theo lời khai của Phượng, từ 2 chuyến bay trên, bị cáo 2 lần được Hoàng đưa tiền "cảm ơn", tổng 650 triệu đồng. Tuy nhiên, chuyến bay thứ 2 do Công ty Biển Bạc đã không được thực hiện như kế hoạch nên Hoàng đề nghị trả lại tiền.
"Bị cáo trả lại 50 triệu đồng thông qua em trai của Hoàng" - Phượng khai và xác nhận tổng số tiền đã nhận hối lộ là 600 triệu đồng. Tại phiên tòa, Phượng nhận những sai phạm, không kêu oan và cho biết, đã tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ 600 triệu đồng.
Bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, bị cáo Nguyễn Mạnh Trường (cựu chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) khai rằng, bị cáo được cấp trên đưa cho 244 triệu đồng và nói là tiền doanh nghiệp “cảm ơn” vì đã cấp phép chuyến bay.
Theo lời khai của Trường, biết số khách trên các chuyến bay này là vượt quá quy định của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhưng bản thân chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên. “Bị cáo sai về chủ trương chứ không phải sai về pháp luật” - Trường trả lời trước tòa.
Phiên tòa diễn ra trong nhiều ngày, Hội đồng xét xử làm việc cả ngày nghỉ.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-bi-cao-khai-gi-truoc-toa.html