Cà Mau: Hơn 146 tỷ đồng làm đường nối vào đầm nước lợ lớn nhất ĐBSCL
UBND tỉnh Cà Mau vừa quyết định chủ trương đầu tư tuyến đường giao thông kết nối khu vực Đầm Thị Tường, tạo đột phá phát triển du lịch của tỉnh.
Ngày 14/9, theo nguồn tin của Báo Giao thông, UBND tỉnh Cà Mau vừa quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường.
Theo đó, quy mô dự án thuộc nhóm B, tổng chiều dài khoảng 3km; đường cấp IV đồng bằng; bề rộng nền đường 9m; tải trọng thiết kế 10 tấn; kết cấu mặt đường láng nhựa cấp cao A2.
Tổng mức đầu tư dự án trên 146 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025), do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư. Dự án được thực hiện tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), thời gian thực hiện dự án từ 2021 – 2023.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, mục tiêu của dự án nhằm tạo tuyến đường kết nối liên hoàn phục vụ nhu cầu giao thông đi lại, vận chuyển của người dân địa phương các huyện Phú Tân, Cái Nước, Trần Văn Thời và khu vực lân cận đến Đầm Thị Tường và ngược lại được thuận lợi, an toàn và nhanh chóng. Đồng thời, tạo điều kiện để thu hút du khách đến với khu vực Đầm Thị Tường nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung.
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, Đầm Thị Tường là một trong những điểm du lịch độc đáo của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên điều kiện để tiếp cận điểm du lịch này hiện còn khó khăn, cụ thể đường giao thông chưa đảm bảo, dẫn đến việc mời gọi đầu tư của tỉnh trở nên khó khăn.
“Khi dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông kết nối vào khu vực Đầm Thị Tường hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ kết nối đoạn đường từ tuyến cao tốc du lịch biển Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc (từ Sông Đốc ra QL1 về Đất Mũi), từ đó nối với bờ Nam Sông Đốc vào Đầm Thị Tường, bảo đảm cho xe ô tô lưu thông dễ dàng”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, khi dự án được hoàn thiện sẽ thu hút được các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án ở khu vực Đầm Thị Tường. Khi đó, nơi đây sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch tại đầm nước lợ được xem là lớn nhất ĐBSCL.
“Hiện nay, tỉnh cũng đang xây dựng quy hoạch chung cho khu du lịch Đầm Thị Tường. Cụ thể là 3 nhóm du lịch: du lịch sông nước, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái”, ông Hùng thông tin thêm.