Ca ghép thận đầu tiên tại Hải Phòng: Anh ruột hiến thận cứu em trai bệnh nặng giai đoạn cuối

Người hiến thận 35 tuổi là anh ruột của bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần trong một năm qua, từng có tiền sử mổ sỏi bàng quang 16 năm. Sau 7 ngày phẫu thuật, cặp ghép đã hồi phục hoàn toàn.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp vừa thông báo kết quả hành trình thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại đơn vị. PGS.TS Nguyễn Công Bình - Trưởng kíp ghép thận của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết, ngày 6/6 với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên từ cặp ghép cùng huyết thống.

Người hiến thận 35 tuổi là anh ruột của bệnh nhân nhận thận, quê ở Kiến An, Hải Phòng. Người bệnh là Nguyễn Th.Đ, 32 tuổi (nam giới) bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần trong 1 năm qua, từng có tiền sử mổ sỏi bàng quang 16 năm.

Trong quá trình thực hiện, bệnh viện đã sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại nhất phục vụ ca ghép. Từ 8h23, kể từ khi bắt đầu phẫu thuật mổ nội soi lấy thận hiến ra ngoài và xử lý rửa cho tới khi hoàn chỉnh ghép thận, mở cloud mạch máu cho người nhận đúng tròn 3 tiếng. Điều mừng nhất, ngay khi mở cloud mạch máu hơn 1 phút thì thận hiến đã có nước tiểu.

Sau phẫu thuật, cặp ghép được hồi sức và chăm sóc đặc biệt, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, hồi sức và chăm sóc sau ghép bởi đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản.

7 ngày sau phẫu thuật, cặp ghép đã hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân sau ghép có sức khỏe tốt, tinh thần vui vẻ, tự đi lại, ăn uống tốt, tự vệ sinh cá nhân, tiểu tiện bình thường. Xét nghiệm chức năng thận trở về bình thường.

BV Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) công bố kết quả ca ghép thận đầu tiên vừa thực hiện thành công. Ảnh: ML

BV Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) công bố kết quả ca ghép thận đầu tiên vừa thực hiện thành công. Ảnh: ML

BS. Nguyễn Quang Tập - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thông tin, từ năm 2016, bệnh viện đã đặt ra mục tiêu phẫu thuật ghép thận vì lượng bệnh nhân bị suy thận cần ghép thận khá lớn. Trung bình mỗi năm, bệnh viện phải chuyển khoảng 30 ca ghép thận lên Hà Nội thực hiện phẫu thuật thay thận (chưa tính số người tự đi không qua bệnh viện). Trước tình hình đó, bệnh viện quyết tâm thực hiện được việc ghép thận để giảm chi phí, đi lại do bệnh nhân phải di chuyển lên tuyến trên.

Trong quá trình triển khai, bệnh viện nhiều khó khăn từ đầu tư tài chính cho tới con người. Tuy nhiên, năm 2017, bệnh viện bước vào giai đoạn tự chủ một phần; tiếp đến 2018 được giao tự chủ toàn phần đòi hỏi đầu tư cho kỹ thuật mới phải có nguồn lực lớn. Sau nhiều năm nỗ lực, đến năm 2022, bệnh viện đã cử hơn 40 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng lên BV Hữu nghị Việt Đức để được Trung tâm ghép thận của bệnh viện này đào tạo chuyên sâu về ghép thận.

Cùng với đó, bệnh viện đã đầu tư nâng cấp phòng mổ, labo lâm sàng... để đáp ứng yêu cầu về việc phẫu thuật ghép thận. Ngoài ra, bệnh viện cũng thành lập tổ tư vấn hiến thận để qua đó, tìm được nguồn thận, giúp người bệnh có cơ hội được ghép tạng. Bệnh viện tuyên truyền, vận động từ chính người nhà của người bệnh như bố, mẹ, anh, chị em ruột... Tiếp đến, bệnh viện lấy tạng từ bệnh nhân chết não mà người thân của họ đồng ý hiến tạng hoặc chính bệnh nhân có di nguyện hiến tạng khi mất...

Cũng theo ông Tập, hiện bệnh viện đã tiếp nhận thêm 2 ca ghép thận do người nhà hiến tặng, đó là trường hợp bố cho con thận và một trường hợp khác là mẹ cho con thận.

BS. Nguyễn Quang Tập - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thông tin về ca ghép thận đầu tiên vừa thực hiện tại BV.

BS. Nguyễn Quang Tập - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp thông tin về ca ghép thận đầu tiên vừa thực hiện tại BV.

Quy trình rửa thận trước khi ghép.

Quy trình rửa thận trước khi ghép.

Thận ghép đã bài tiết nước tiểu ngay sau khi hoàn thành được hơn một phút.

Thận ghép đã bài tiết nước tiểu ngay sau khi hoàn thành được hơn một phút.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên từ cặp ghép cùng huyết thống.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên từ cặp ghép cùng huyết thống.

Về chi phí cho một ca ghép thận, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Tiệp Đỗ Mạnh Thắng cho hay: "Trung bình 1 ca ghép thận sẽ dao động từ 200 triệu đến 250 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả từ 100 đến 170 triệu đồng/ca. Như vậy, bệnh nhân ghép thận chỉ phải đóng thêm 70 - 90 triệu đồng".

Ghi nhận cột mốc đáng nhớ của y tế Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, ông Hoàng Minh Cường đánh giá: "Ghép thận là một kỹ thuật cao, chuyên sâu, đòi hỏi bệnh viện phải được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, phòng mổ đủ tiêu chuẩn, đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên sâu, bài bản. Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã phấn đấu đưa kỹ thuật ghép thận trở thành thường quy, góp phần quan trọng nâng cao uy tín, vị thế của ngành y tế Hải Phòng, đem lại cơ hội để nhiều người bệnh bị suy thận giai đoạn cuối trở lại cuộc sống bình thường...".

Quá trình phẫu thuật ghép thận ở BV Việt Tiệp, Hải Phòng

Minh Lý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ca-ghep-than-dau-tien-tai-hai-phong-anh-ruot-hien-than-cuu-em-trai-suy-than-giai-doan-cuoi-169230616002120467.htm