Buông lỏng quản lý, rừng thông 50 tuổi bị xâm hại
Hàng loạt cây thông 50 năm tuổi trên diện tích đất thuộc Dự án sân golf FLC tại huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai bị chặt hạ, đào bứng, di thực trái phép được xác định là do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) buông lỏng trách nhiệm quản lý, tạo kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng.

Một thân cây thông còn sót lại tại hiện trường. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Đoa, thời gian gần đây, trên diện tích đất giao cho Tập đoàn FLC để xây dựng dự án sân golf (đang tạm dừng triển khai) tình trạng khai thác, đào bứng, di thực cây thông trái phép diễn biến phức tạp. Mặc dù, lực lượng chức năng của huyện và chính quyền địa phương các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đăk Đoa đã tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên nhưng hành vi xâm hại rừng thông vẫn xảy ra. Điển hình là vụ việc vào ngày 10/4, lực lượng chức năng đã mật phục và phát hiện một vụ khai thác trái phép ở xã Tân Bình.
Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Đoa cho biết, qua kiểm tra các hành vi vi phạm và căn cứ theo Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 07/2022/ND-CP thì không đủ cơ sở xử lý các đối tượng khai thác, đào, bứng cây thông và việc xử lý trách nhiệm pháp lý đối với Tập đoàn FLC gặp khó khăn do không xác định được hành vi vi phạm và không đủ căn cứ để xử phạt hành vi thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Cụ thể, diện tích đất rừng thông đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác và tài sản này thuộc Tập đoàn FLC, trong khi lại không có quy định chế tài cụ thể xử lý trách nhiệm đối với hành vi buông lỏng quản lý tài sản rừng trên đất đã giao.

Một gốc cây thông còn sót lại tại hiện trường. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
UBND huyện Đăk Đoa cho biết, ngay khi xảy ra các vụ việc, ngày 11/4/2025, Hạt Kiểm lâm huyện và UBND xã Tân Bình đã mời đại diện Tập đoàn FLC tham gia buổi kiểm tra thực địa, xác định vị trí cũng như số lượng cây bị khai thác.
Ngày 17/4, Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương tiếp tục làm việc với bà Trần Thị Hồng Thuận, quản lý của Tập đoàn FLC để thống nhất xử lý vụ việc. Ngày 18/4, xã Tân Bình tiếp tục có văn bản gửi Tập đoàn FLC yêu cầu báo cáo và phối hợp. Tuy nhiên sau đó, Tập đoàn này không phản hồi văn bản yêu cầu phối hợp xử lý của UBND xã Tân Bình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa Nguyễn Tiến Dũng, khẳng định xảy ra tình trạng xâm hại rừng thông là do Tập đoàn FLC buông lỏng quản lý. Tập đoàn FLC không hoạt động, không tổ chức lực lượng bảo vệ, không giám sát thường xuyên và cũng không chủ động báo cáo các vụ việc xâm hại rừng thông với cơ quan chức năng. Đến thời điểm này, Tập đoàn FLC vẫn chưa có văn bản giải trình hay báo cáo chính thức nào gửi chính quyền huyện hoặc xã và các ngành chức năng.
Từ thực trạng trên, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai, Sở Nông nghiệp và Môi trường có biện pháp yêu cầu Tập đoàn FLC thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý, phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ diện tích cây thông trên phần diện tích đã giao, tránh tái diễn tình trạng như thời gian vừa qua.

Tang vật được lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Như thông tin TTXVN đã phản ánh, sau khi khởi công rầm rộ vào năm 2021, Dự án FLC Gia Lai Golf Club & Luxury Resort với quy mô gần 200 ha, gồm sân golf 36 lỗ, khu nghỉ dưỡng 5 sao, safari, trung tâm hội nghị. Trong đó, dự án sân golf chiếm khoảng 180 ha đất rừng, diện tích đất có rừng thông gần 160 ha, chủ yếu là thông 2 lá và 3 lá được trồng từ năm 1976.
Dự án từng được kỳ vọng tạo cú hích cho du lịch và thị trường bất động sản ở Gia Lai. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, toàn bộ dự án đóng băng, bỏ hoang cho đến nay khiến nhiều diện tích rừng bị đào xới tan hoang, hàng loạt cây thông có tuổi đời lên đến 50 năm bị cưa hạ trong khuôn viên Dự án do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư tại huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai.