Buổi ra mắt lớp tiếng Anh dành cho phụ nữ trung niên

Lớp học của tôi có hơn mười học viên đều là phụ nữ, và trông họ khác hẳn với các cụ bà vóc người thấp đậm.

Một tuần sau khi đến, tôi đã bắt tay vào công việc. Tôi dạy hai giờ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu tại một trung tâm phụ nữ trong nội thành, cách căn hộ nơi tôi ở một chuyến xe điện. Lớp học của tôi có hơn mười học viên đều là phụ nữ, và trông họ khác hẳn với các cụ bà vóc người thấp đậm, đầu đội khăn choàng mà sáng sáng vẫn chen chúc cùng tôi trên xe bus.

Ở đây, họ trang điểm, mặc những chiếc váy thanh lịch, và mỗi người để một kiểu tóc thời thượng khác nhau. Trong buổi học đầu tiên, khi tôi giới thiệu bản thân và thử nói vài từ tiếng Lithuania, họ cười khúc khích vì khẩu âm của tôi - chẳng qua là họ chưa bao giờ nghe thấy ngôn ngữ của mình qua giọng nói của một người Anh.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Michael Burrows/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Michael Burrows/Pexels.

Tôi hỏi lý do vì sao họ tham gia vào lớp học này. Một học viên là chị Birute (họ bảo rằng đây là một tên gọi phổ biến) trở thành phát ngôn viên phi chính thức cho những người khác. Chị đứng lên và nói trôi chảy bằng tiếng Anh, “Chúng tôi muốn nâng cao trình độ tiếng Anh. Bởi vì tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ của người lao động có trình độ ở đây.

Nếu bạn biết nói tiếng Lithuania, tiếng Nga, và tiếng Ba Lan mà không biết tiếng Anh, thì bạn còn chưa bằng cả người mù chữ. Hãy nhìn vào các mục quảng cáo tuyển dụng trên báo mà xem! Angly kalba reikalinga, ‘tiếng Anh bắt buộc’ đấy”.

Lúc đó, Birute là học viên giỏi nhất lớp. Chị khoảng 40 tuổi, có thân hình rất mảnh mai và thanh thoát, mái tóc nhuộm đen cắt ngắn như con trai. “Tôi học tiếng Anh ở trường đại học. Nhưng đó là chuyện từ lâu rồi”. Và chị đã mất dần lòng tự tin đối với trình độ tiếng Anh của mình.

Chị Aida, bạn của Birute cũng muốn phát biểu. Trông chị trẻ hơn so với Birute, và cũng dè dặt hơn. Chị có giọng nói dịu dàng và có phần ngập ngừng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì chị mới chỉ biết một vài cụm từ tiếng Anh rời rạc mà thôi. Birute nói xen vào, “Cô ấy nói cô ấy hy vọng rằng cậu sẽ làm tốt hơn thầy giáo trước. Người Mỹ. Cô ấy nói cô ấy không theo được những từ mà anh ta nói”.

Sau những nhận xét của Aida, những học viên khác trong lớp cũng bắt đầu la ó, hiển nhiên rất hào hứng tham gia vào cuộc chỉ trích người tiền nhiệm của tôi. Trong tiếng la ó của họ là nỗi bất mãn, bực dọc, và thất vọng đã tích tụ từ nhiều tháng. Phản đối giáo trình nhàm chán! Phản đối những biệt ngữ sư phạm khó hiểu! Chúng tôi muốn học tiếng Anh, chứ không phải một đống những nguyên tắc vô dụng!

Tôi không khỏi sững sờ. Tôi cứ tưởng không khí lớp học sẽ yên bình, không nghĩ lại ồn ào lộn xộn thế này. Thú thực, đến lúc này tôi đã bắt đầu cảm thấy hơi sợ hãi. Và nỗi sợ hãi này khiến tôi lúng túng. Tôi nghĩ, tôi mới chỉ 19 tuổi, và cũng mới chân ướt chân ráo đến đây. Tôi không biết phải nói gì với họ cả. Thật phân vân không biết có nên bước ra khỏi lớp hay không.

Đúng lúc này, Birute giơ hai tay lên vẫy và hô to lên. Một sự im lặng lúng túng bao trùm cả lớp.

Atsiprasau [xin lỗi]”, cô nói. “Lẽ ra tôi không nên để Aida nói những lời như vừa rồi. Cô ấy bị kích động và khiến mọi người bị kích động theo. Chúng tôi rất vui và cảm ơn cậu đã đến đây dạy chúng tôi ngôn ngữ của cậu”.

Thời gian còn lại trong buổi gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi cùng xem những cuốn giáo trình mà trung tâm phát và cố gắng bắt đầu một vài đề tài thảo luận. Nhưng các học viên đã nói đúng. Những trang sách này quả thực gây buồn ngủ, bất luận giáo viên có kỹ năng hay nhiệt tình đến đâu e là cũng khó mà chống đỡ được.

Nếu tôi vẫn tiếp tục sử dụng chúng giống như tình nguyện viên trước đó, chỉ sợ là những tia hy vọng cuối cùng của những người phụ nữ này đối với việc nói được thứ tiếng Anh hữu dụng sẽ bị triệt tiêu vĩnh viễn. Tôi quyết định bỏ sách xuống. Cần phải dạy theo cách khác. Nhưng làm thế nào bây giờ? Tôi không biết. Nhưng cho dù không biết, tôi vẫn giữ quan điểm rằng nhất định tôi sẽ phải tìm ra cách tiếp cận khác cho buổi học tiếp theo.

Daniel Tammet/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/buoi-ra-mat-lop-tieng-anh-danh-cho-phu-nu-trung-nien-post1494461.html