Bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử đặt tên tàu chiến của Mỹ
Hải quân Mỹ vừa công bố tàu sân bay mới nhất sẽ được đặt theo tên của tỷ phú Elon Musk, thay thế tên gọi USS Enterprise. Động thái này đánh dấu bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử đặt tên tàu chiến của Mỹ. Vì sao lại có quyết định này?

Tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ di chuyển ở phía Bắc Biển Đỏ. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo trang tin navalnews.com ngày 1/4, hải quân Mỹ sẽ đổi tên tàu sân bay mới từ USS Enterprise thành USS Musk theo một sắc lệnh hành pháp mới. Đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên trong lịch sử được đặt theo tên của một Cố vấn cấp cao đang tại nhiệm của Tổng thống Mỹ.
Con tàu, có ký hiệu CVN 80, dự kiến sẽ được Huntington Ingalls Industries (HII) hạ thủy vào tháng 11 năm nay. Điều này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong truyền thống đặt tên tàu chiến của hải quân Mỹ, vốn thường được đặt theo tên các nhân vật lịch sử đã qua đời hoặc các giá trị biểu tượng của quốc gia.
Sắc lệnh hành pháp này tiếp nối dự thảo có tên "Làm cho ngành đóng tàu vĩ đại trở lại" được đề xuất hồi tháng 2 năm nay. Mục tiêu của sắc lệnh nhằm giải quyết sự mất cân bằng trong ngành đóng tàu giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó đã nhấn mạnh: "Chúng ta từng đóng rất nhiều tàu. Chúng ta không còn đóng nhiều nữa, nhưng chúng ta sẽ đóng rất nhanh".
Thông số kỹ thuật ấn tượng
USS Musk sẽ là tàu sân bay thứ ba thuộc lớp Gerald R. Ford, được thiết kế để thay thế USS Dwight D. Eisenhower (CVN 69) vào năm 2029. Với trọng tải lên đến 100.000 tấn, tàu có khả năng mang theo 2.600 thủy thủ đoàn và khoảng 75 máy bay các loại.
Hiện nay, chỉ có tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ và tàu sân bay lớp Phúc Kiến (Fujian) Type-004 mới của Trung Quốc là có kích thước tương đương với lớp tàu Ford này.
Đặc biệt, USS Musk được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) - công nghệ hiện đại phù hợp với sở trường về xe điện của người được vinh danh. Tuy nhiên, công nghệ này từng bị Tổng thống Trump chỉ trích vào năm 2017, khi ông kêu gọi quay trở lại với máy phóng truyền thống, cho rằng "công nghệ kỹ thuật số tốn kém hơn hàng trăm triệu USD và không hiệu quả".
Chiến dịch đổi tên tàu chiến
Việc đặt tên tàu sân bay theo tỷ phú Musk được xem như một phần trong chiến dịch siết chặt đối với điều được chính quyền gọi là "sự thức tỉnh" trong quân đội. Đây là biểu hiện của sự thay đổi trong cách tiếp cận đối với truyền thống quân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân.
Theo các nguồn tin, việc đổi tên này nằm trong khuôn khổ chiến dịch rộng lớn hơn có tên "Make Ship Names Great Again" (Làm cho tên của tàu vĩ đại trở lại). Tuy nhiên, một số thông tin về việc đặt tên các tàu khác đã bị phủ nhận. Cụ thể, có báo cáo cho rằng một tàu Tình báo Tín hiệu (SIGINT) mới sẽ được đặt theo tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã bị thư ký báo chí Nhà Trắng bác bỏ.