Bước đột phá trong đào tạo giảng viên

Ngày 18-1-2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 89/2019/QĐ-TTg (gọi tắt là Đề án 89) về phê duyệt 'Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030'. Thực hiện quyết định này, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án 89 để lấy ý kiến của các cấp, ngành ở Trung ương và địa phương. Theo đó, mức học phí tối đa được cấp cho giảng viên làm nghiên cứu sinh tiến sĩ là 25.000 USD/năm, mức chi sinh hoạt phí cao nhất là 1.300 USD/tháng. Nếu nội dung nêu trên được Chính phủ chấp thuận thì chính sách này được xem là bước đột phá trong công tác đào tạo chuyên sâu; đồng thời, sẽ tạo cú hích mạnh để các trường đại học, học viện có sự bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Dưới đây là những nội dung đáng lưu ý trong dự thảo này.

Đối với nghiên cứu sinh ở nước ngoài

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ cấp cho người học trong thời hạn theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, mức hỗ trợ tối đa không quá 4 năm (48 tháng) đối với người học tiến sĩ và không quá 2 năm (24 tháng) đối với người học thạc sĩ. Và cũng theo quy định trong dự thảo này, trong thời gian tạm dừng học tập, nghiên cứu, người học không được nhận kinh phí hỗ trợ của đề án. Cụ thể, các khoản hỗ trợ bao gồm: Học phí, sinh hoạt phí, vé máy bay 2 chiều, bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc đối với các ứng viên làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Đối với các giảng viên làm nghiên cứu sinh toàn thời gian trong nước thì các khoản hỗ trợ gồm: Học phí, hỗ trợ tham dự hội nghị, hội thảo, hỗ trợ công bố quốc tế về đề tài khoa học.

Cũng theo dự thảo hướng dẫn của Bộ Tài chính, mức hỗ trợ học phí và các khoản có liên quan đến học phí được thanh toán theo hợp đồng giữa Bộ GD&ĐT với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên. Tuy nhiên, mức hỗ trợ tối đa không quá 25.000 USD/người hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại mà các ứng viên lưu trú làm nghiên cứu sinh cho 1 năm học. Trong trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 USD/năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả. Đối với chi phí làm hộ chiếu, visa được thanh toán theo quy định của Nhà nước và hóa đơn lệ phí visa thực tế của mỗi quốc gia.

Đề án 89 xây dựng mục tiêu từ nay đến năm 2030, đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học, học viện ở Việt Nam với trường đại học, học viện ở nước ngoài. Trong 10 năm tới, cả nước cần đào tạo khoảng 7.300 giảng viên trình độ tiến sĩ; trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao trình độ thạc sĩ.

Đối với sinh hoạt phí, mức hỗ trợ cấp cho giảng viên học tiến sĩ theo đề án này là từ 390 USD đến 1.300 USD/người/tháng tùy theo quốc gia mà nghiên cứu sinh theo học. Cụ thể, mức sinh hoạt phí cao nhất là 1.300 USD/tháng với nghiên cứu sinh ở các nước: Mỹ, Canada, Anh và Nhật Bản… Đối với các nước Úc và New Zealand… thì mức chi sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh theo đề án này là 1.120 USD/người/tháng. Cũng theo dự thảo hướng dẫn này, mức chi hỗ trợ sinh hoạt phí thấp nhất là đối với những nghiên cứu sinh ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, gồm: Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippine… với mức 390 USD/người/tháng. Và việc thanh toán sinh hoạt phí cho các nghiên cứu sinh được thực hiện theo tháng hoặc quý.

Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, người học còn được cấp 1 lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và 1 lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ các trường hợp được phía bạn tài trợ) trong toàn bộ thời gian đào tạo, bồi dưỡng. Chi phí đi đường được cấp một lần với mức khoán là 100 USD/người. Về BHYT bắt buộc, các nghiên cứu sinh được chi tối đa không quá 1.000 USD/người/năm. Trường hợp có nguyện vọng mua BHYT ở mức cao hơn thì các nghiên cứu sinh phải tự bù phần chênh lệch. Như vậy, so với mức dự thảo chi này thì dự kiến 1 giảng viên làm nghiên cứu sinh trong 4 năm (48 tháng) sẽ được ngân sách nhà nước chi hỗ trợ cao nhất khoảng 17.000 USD (Mỹ, Anh, Canada và Nhật Bản).

Đối với nghiên cứu sinh trong nước

Đối với nghiên cứu sinh ở trong nước, mức học phí nộp cho các cơ sở đào tạo không vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ. Ngoài mức hỗ trợ học phí, các nghiên cứu sinh trong nước còn được hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước từ 13-20 triệu đồng/năm trong thời gian không quá 4 năm. Theo đó, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng ngành đào tạo như sau: Nhóm ngành y dược 20 triệu đồng/người học/năm; nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; nông, lâm, thủy sản, thể dục thể thao, nghệ thuật: 18 triệu đồng/người học/năm; nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật; khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác: 13 triệu đồng/người học/năm.

Cũng theo dự thảo hướng dẫn này, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học và công nghệ uy tín quốc tế thuộc danh mục Web of Science với tư cách là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ. Ngoài ra, nếu người học có kết quả học tập tốt, đáp ứng các điều kiện theo quy định về chất lượng đào tạo của Bộ GD&ĐT được mời đi tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài thì sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đi lại và sinh hoạt phí. Tuy nhiên, mức hỗ trợ tối đa không quá 1 lần trong cả thời gian đào tạo. Trong trường hợp phía cơ sở đào tạo nước ngoài có thông báo hỗ trợ các chi phí liên quan đến việc tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế hoặc thực tập ngắn hạn thì ngân sách nhà nước sẽ không hỗ trợ các chi phí đã được cơ sở đào tạo nước ngoài tài trợ cho người học.

Ngoài mức hỗ trợ nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước, dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính còn xây dựng mức hỗ trợ đối với các ứng viên theo phương thức liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ. Cụ thể, đối với thời gian học tập trung trong nước, ngân sách hỗ trợ học phí và kinh phí thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước theo mức chi với nghiên cứu sinh học tập ở trong nước. Với thời gian học ở nước ngoài (không quá 2 năm) thì áp dụng theo mức chi với nghiên cứu sinh học tập ở nước ngoài.

Như vậy, với mức hỗ trợ như Bộ Tài chính đề xuất nêu trên, mức chi cao nhất sẽ lên tới hơn 3,5 tỷ đồng cho 1 giảng viên nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài. Đây thực sự là bước đột phá nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên cho các cơ sở giáo dục đại học công lập để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Điều đáng mừng là với nội dung dự thảo của Bộ Tài chính được thông qua sẽ là “cú hích” mạnh để nhiều người có thể an tâm theo học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước.

Mỹ Hạnh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/128734/buoc-dot-pha-trong-dao-tao-giang-vien