Bước đột phá của các doanh nghiệp
Thanh Hóa là một trong những địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp (DN) ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), thông qua việc hợp tác, nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào KHCN các DN đã từng bước đa dạng hóa, nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trên thương trường. Điều đó giúp DN phát triển bền vững mang lại lợi ích cao cho cộng đồng, cũng như mở ra cơ hội để hàng Việt tiếp cận với thị trường quốc tế.
Nhà máy bê tông liên doanh Việt - Nhật (Tổng Công ty CP Đầu tư Hà Thanh), sản xuất bê tông thương phẩm có công suất 240m3/h.
Là DN kinh doanh trong lĩnh vực thuốc đông dược và tân dược, từ nhiều năm nay lãnh đạo Công ty Cổ phần (CTCP) Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị nâng cao năng suất lao động; đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư vào KHCN. Nếu như năm 2015, công ty đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc đổi mới dây chuyền sản xuất thuốc đông dược Biophin, Hy Đan, Phong tê thấp Hy Đan nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng thì từ năm 2017 công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất mới viên nang mềm tự động công nghệ Hàn Quốc công suất tối đa gần 700 triệu viên/năm, máy tạo năng lò, máy ép vỉ, hệ thống sấy... trị giá trên 55 tỷ đồng. Việc đầu tư dây chuyền công nghệ mới không chỉ đánh dấu sự nỗ lực trong dây chuyền sản xuất, kinh doanh mà còn giúp công ty củng cố lại thị trường thuốc đông dược trên địa bàn tỉnh trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các DN trong và ngoài nước. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất tiên tiến, công ty cũng đặc biệt chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, đào tạo các cán bộ khoa học có khả năng làm chủ công nghệ. Đồng thời tiếp tục cải cách tổ chức mô hình đổi mới hoạt động, phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập của công nhân, người lao động cũng như xây dựng uy tín, thương hiệu của công ty trên thị trường.
Ông Lê Văn Mạnh, Trưởng Phòng Nghiên cứu phát triển CTCP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa, cho biết: Với phương châm lấy chất lượng làm kim chỉ nam của mọi hoạt động, lấy đầu tư công nghệ làm nên sự khác biệt. Với sứ mệnh đảm bảo chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại, tuân thủ các yêu cầu khắt khe của thị trường dược phẩm. Để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bệnh cho cộng đồng, góp phần vào sự phát triển của xã hội, công ty phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong 10 doanh nghiệp dược phẩm lớn nhất cả nước, với hệ thống sản phẩm đa dạng, chất lượng, đạt tiêu chuẩn GMP EU, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường dược phẩm quốc tế. Muốn đạt được mục tiêu đó chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng KHCN tiên tiến vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng trong lĩnh vực dược - vật tư y tế, CTCP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa cũng là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN mới vào sản xuất. Từ năm 2015 công ty đã liên kết với Công ty Aemed (Thái Lan) thành lập một đơn vị trung gian là Công ty TNHH Aeonmed Việt Nam - đơn vị này có chức năng lắp đặt và đưa vào vận hành thành công nhà máy sản xuất dung dịch thẩm phân máu với mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 3 triệu USD, công suất thiết kế là 20.000 lít/ngày. Nhà máy được lắp đặt dây chuyền công nghệ tiên tiến hiện đại khép kín hoàn toàn tự động chuyển giao từ Công ty Aeonmed Thái Lan đạt tiêu chuẩn ISO 9001 2008 và ISO 13485- 2003. Sản phẩm chính của nhà máy bao gồm dung dịch lọc thận Haemo A và Haemo B sử dụng trong việc chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn. Để tránh sự lạc hậu về công nghệ trước khi đầu tư nhà máy, lãnh đạo CTCP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa đã khảo sát nhiều công nghệ sản xuất dịch lọc thận trong nước và quốc tế để đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng nhằm phát huy được hết công năng của từng công đoạn sản xuất tiết kiệm được tối đa sức lao động cũng như đưa ra các sản phẩm chất lượng. Đi liền với đầu tư công nghệ hiện đại Công ty TNHH Aeonmed Việt Nam cũng luôn coi trọng trình độ quản trị doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hệ thống Internet nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm ổn định thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Ngoài các công ty dược, Nhà máy Bê tông liên doanh Việt - Nhật thuộc Tổng CTCP Đầu tư Hà Thanh, sản xuất bê tông thương phẩm có công suất 240m3/h. Trước khi đầu tư lãnh đạo công ty xác định phải loại bỏ các công nghệ có công suất từ 200m3 trở xuống để tiết giảm nhân công. Hiện nay mặc dù dây chuyền có công suất lên đến 240m3/h nhưng nhà máy chỉ cần sử dụng 2 lao động có trình độ kỹ thuật để vận hành toàn bộ hệ thống. Đặc biệt khâu hàn lồng cốt thép trong sản xuất ống cống bê tông li tâm trước đây phải sử dụng đến 30 lao động nhưng hiện nay với công nghệ hiện đại công đoạn này chỉ còn sử dụng 3 lao động nhưng năng suất tăng lên hơn 10 lần. Với việc đầu tư dây chuyền sản xuất bê tông hiện đại nhà máy đã tiết kiệm được tối đa chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Ông Lê Thanh Cường, Giám đốc Nhà máy bê tông liên doanh Việt - Nhật, cho biết: Trước đây, lượng nhân công làm việc tại nhà máy phải lên tới 400 đến 500 người, nhưng từ khi đưa máy móc công nghệ tiên tiến vào sức người giảm rõ rệt. Những năm tiếp theo nhà máy sẽ tiếp tục đưa máy móc hiện đại vào thay thế con người.
Hiện nay, cùng với cả nước, Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, khi xu hướng tự động hóa được xem là vũ khí cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạnh công nghệ 4.0 đang lan tỏa và phổ biến rộng rãi thì các DN Thanh Hóa cần phải nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ đối với sự phát triển bền vững của đơn vị mình. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển các DN, tạo đòn bẩy nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sức cạnh tranh, cùng với các chính sách hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, các DN cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KH&CN, các DN trong nước và ngoài nước. Ngoài ra, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình DN KH&CN; xúc tiến thành lập câu lạc bộ DN KH&CN, tạo diễn đàn để các DN trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển. Cần triển khai quy định về giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu từ các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách Nhà nước để các đơn vị có nhu cầu và đủ điều kiện áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các DN cần tiếp tục quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, tích cực hợp tác với các tổ chức KHCN, các DN trong nước và quốc tế để đưa công nghệ mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, nâng cao đời sống người lao động, xây dựng DN ngày càng lớn mạnh, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/buoc-dot-pha-cua-cac-doanh-nghiep/115106.htm