Bước đột phá ấn tượng về chỉ số xanh cấp tỉnh
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của Gia Lai được cải thiện đáng kể và lọt vào top 30 tỉnh, thành đứng đầu bảng xếp hạng PGI-2024. Đây là bước đột phá ấn tượng từ sự nỗ lực của chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Quang cảnh thu mua cà phê tại Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: H.D
Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI (Provincial Green Index) là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
PGI có 4 chỉ số thành phần gồm: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Các chỉ số thành phần của PGI được xây dựng dựa trên 41 chỉ tiêu khảo sát và dữ liệu thống kê nhằm phản ánh 4 mục tiêu chính sách trọng tâm này, cho phép lãnh đạo các tỉnh, thành phố đánh giá tiến trình thực hiện của mình.
Địa phương đạt điểm cao trong PGI là nơi đang nỗ lực kiểm soát ô nhiễm và giảm thiểu các sự cố môi trường do doanh nghiệp gây ra (chỉ số thành phần 1), xây dựng và thực thi các quy định hợp lý để đảm bảo tuân thủ mà không tạo ra gánh nặng quá lớn (chỉ số thành phần 2), hướng dẫn doanh nghiệp triển khai hoạt động xanh và mua sắm thân thiện với môi trường (chỉ số thành phần 3) cũng như thúc đẩy hoạt động xanh thông qua các ưu đãi và chương trình hỗ trợ có mục tiêu (chỉ số thành phần 4).
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2024, Gia Lai nằm trong danh sách 30 tỉnh, thành đứng đầu bảng xếp hạng PGIvới vị trí thứ 30/63 (25,05 điểm); xếp thứ 2 khu vực Tây Nguyên (sau tỉnh Đắk Nông).
Và, tất cả 4 chỉ số thành phần của Gia Lai đều tăng mạnh so với năm 2023: chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đạt 5,46 điểm, tăng 0,02 điểm; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu đạt 6,91 điểm, tăng 1,05 điểm; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh đạt 6,87 điểm, tăng 2,85 điểm; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đạt 5,81 điểm, tăng 1,08 điểm.
Đặc biệt, chỉ số thành phần 3 về vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh đạt 6,87 điểm, tăng 2,85 điểm so với năm ngoái và Gia Lai xếp vị trí 4/63 các tỉnh, thành cả nước. Điểm số ở chỉ số thành phần này được cải thiện cho thấy mức độ lồng ghép các mục tiêu môi trường vào trách nhiệm quản lý nhà nước rộng hơn của chính quyền tỉnh.
Cụ thể là chính quyền đã lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường vào chính sách phát triển chung, vào hoạt động đấu thầu mua sắm công và vào các hoạt động hướng dẫn, phổ biến quy định pháp luật, các thực hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “xanh hóa” quy trình hoạt động, mô hình kinh doanh sản xuất và hành vi của doanh nghiệp.

Hầu hết các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) đều có ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Hà Duy
Ông Nguyễn Tự Quyết-Phó Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu Kinh tế tỉnh-cho hay: “Để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 2.000 m3/ngày đêm, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, bùn thải, khí thải tự động.
Công ty cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm; đồng thời nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục các sự cố liên quan đến công tác bảo vệ môi trường. Hầu hết doanh nghiệp tại khu công nghiệp chấp hành tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh đã áp dụng quy trình sản xuất xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Công ty hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giữ lại thảm thực vật để giữ ẩm vườn cây và hạn chế xói mòn đất. Quá trình sản xuất mủ cao su được thực hiện theo quy trình khép kín.
Bà Huỳnh Thị Nga-Phó Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: Công ty đã áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001, các chứng nhận quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC và sản xuất sản phẩm tuân theo chuỗi hành trình sản phẩm PEFC/CoC.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh đầu tư cải tiến công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.