Bức tranh toàn diện về Lịch sử Phật giáo Việt Nam

Sách 'Lịch sử Phật giáo Việt Nam' trình bày một cách có hệ thống sự phát triển của Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đến giữa thế kỉ XX.

 Tổ Đình Liên Phái, chùa Liên Phái. Nguồn: Group Chùa Việt.

Tổ Đình Liên Phái, chùa Liên Phái. Nguồn: Group Chùa Việt.

Phật giáo truyền vào Việt Nam từ những thế kỉ đầu Công nguyên, đến nay đã hơn 2000 năm. Trong thời gian dài này, Phật giáo đã để lại cho dân tộc ta nhiều dấu ấn, có thể thấy từ tín ngưỡng cho đến văn hóa, phong tục tập quán, từ thế giới quan cho đến nhân sinh quan, từ tư tưởng đến tình cảm.

Ấn phẩm đầy đủ về lịch sử Phật giáo Việt Nam

Trong nghiên cứu lịch sử văn hóa tư tưởng hiện nay, có thể thấy nhiều vấn đề của lịch sử dân tộc, của văn hóa dân tộc sẽ không sáng rõ nếu không hiểu được Phật giáo dân tộc, trong đó có lịch sử Phật giáo dân tộc. Tìm hiểu Phật giáo Việt Nam trong quá trình lịch sử không những là để hiểu một tín ngưỡng của quá khứ mà còn để biết hiện tại và dự báo tương lai của sinh hoạt tinh thần con người Việt Nam.

Tuy nhiên, vào đầu những năm 1980, ở Việt Nam, dù đã có nhiều cuốn sách viết về lịch sử Phật giáo dân tộc, trong đó có những cuốn là Phật giáo sử thực thụ, hoặc cũng có những cuốn ít nhiều mang tính chất Phật giáo sử, nhưng chưa có một cuốn sách nào trình bày một cách có hệ thống sự phát triển của Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đến giữa thế kỉ XX.

Ví dụ thời kì phong kiến thì có các cuốn như: Thiền uyển tập anh ngữ lục chỉ tập trung giới thiệu phổ hệ của hai dòng thiền Việt Nam là Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông; cuốn Tam tổ thực lục chỉ ghi về hành trạng và sự truyền thừa của ba vị tổ phái thiền Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang; cuốn Thiền uyển kế đăng lược lục ngoài việc nhắc lại nội dung mà cuốn Thiền uyển tập anh ngữ lục, chỉ bổ sung thêm sự phát triển của Phật giáo đầu triều Nguyễn.

Thời kì cận - hiện đại có các cuốn: Phật giáo Việt Nam từ nguyên thủy đến thế kỉ XIII, như tên gọi của nó, chỉ trình bày lịch sử Phật giáo dân tộc đến thế kỉ XIII; cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược, trong chương Mười viết về “Phật giáo hiện đại” chỉ có vẻn vẹn không đầy 3 trang nói về phong trào chấn hưng Phật giáo ở những năm 30 của thế kỉ XX; cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận thì phần viết về triều Nguyễn chỉ giới thiệu tóm tắt tiểu sử của 23 danh tăng...

Trước thực tế này, một nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra cho giới nghiên cứu là phải có sự tổng kết quá trình phát triển các hệ tư tưởng của dân tộc. Một ấn phẩm đầy đủ về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy cho tới đầu thế kỉ XX trước hết là một đòi hỏi của thời đại, sau đó xuất phát từ mong muốn bổ khuyết những địa hạt khoa học còn bỏ ngỏ của những nhà nghiên cứu đương thời về triết học, sử học, tôn giáo học....

Kế thừa thành tựu của những người đi trước, vận dụng kết quả của các khoa học hiện đại, dưới sự chủ trì của Viện Triết học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các tác giả: Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Minh Chi, Lý Kim Hoa, Hà Thúc Minh, Hà Văn Tấn đã viết cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Với tư liệu phong phú hơn, trình bày có hệ thống hơn, có sức thuyết phục hơn và thời gian đề cập cũng dài hơn (từ thời kì du nhập đến giữa thế kỉ XX), cuốn sách đã trình bày một cách có hệ thống sự phát triển của Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập đến giữa thế kỉ XX so với bất cứ cuốn Phật giáo sử nào của Việt Nam trước đó.

 Sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam (ấn bản tái bản năm 2022).

Sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam (ấn bản tái bản năm 2022).

Khẳng định giá trị học thuật trong suốt hơn 30 năm

Sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam là công trình nghiên cứu đầu tiên của một cơ quan nghiên cứu (Viện Triết học) về lịch sử Phật giáo Việt Nam, bên cạnh những công trình nghiên cứu của các cá nhân. Cuốn sách gồm 17 chương, tường thuật, khảo cứu tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam qua từng thời kì, chia làm 5 giai đoạn chính (tương ứng với 5 Phần), cụ thể:

Phật giáo thời kì du nhập và Bắc thuộc (thế kỉ I - đầu thế kỉ X) do nhà nghiên cứu Phật học Minh Chi viết; Phật giáo từ thời Ngô đến thời Trần (thế kỉ X - thế kỉ XIV) do Giáo sư Sử học Hà Văn Tấn viết; Phật giáo từ thời Hậu Lê đến thời Tây Sơn (thế kỉ XV - thế kỉ XVIII) do Tiến sĩ Giáo dục học Lý Kim Hoa và nhà nghiên cứu, giảng dạy triết học Hà Thúc Minh viết.

Trong đó mục “Xu hướng kết hợp Nho và Phật: Ngô Thì Nhậm với Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” do Hà Thúc Minh viết, các mục khác do Lý Kim Hoa viết; Phật giáo dưới triều Nguyễn (thế kỉ XIX) và Phật giáo thời kì Pháp thuộc (nửa cuối thế kỉ XIX - nửa đầu thế kỉ XX) do Giáo sư Triết học Nguyễn Tài Thư viết.

PGS.TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đánh giá: “Đây là một chuyên luận súc tích và bổ ích, phác thảo một bức tranh lịch đại về quá trình truyền nhập, phát triển của các hệ phái Phật giáo trong lịch sử Việt Nam.

Với tinh thần văn - sử - triết bất phân, các trang viết đã vận dụng tối đa các nguồn sử liệu Hán văn, các tác phẩm văn học, hệ thống thiền phả, tiểu truyện thiền sư, tư liệu bi kí và khảo cổ... để tiếp cận Phật giáo từ các góc độ lịch sử tư tưởng và lịch sử văn hóa. Trong hơn 30 năm qua, công trình này là một tài liệu cơ bản cho bất kì ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam”.

Còn theo NXB Đại học Sư phạm (Lời Nhà xuất bản trong bản tái bản năm 2022): “Trong suốt hơn 30 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã khẳng định giá trị học thuật và phương pháp nghiên cứu khoa học đúng đắn, giúp cho nhiều thế hệ nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử, triết học, tôn giáo học, Phật học trong và ngoài nước làm căn cứ, tham khảo cho các kết quả nghiên cứu mới của họ.

Cho đến nay, những nội dung cơ bản của công trình vẫn còn chứa đựng nhiều giá trị đích thực và vẫn được tìm đọc, trích dẫn”.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/buc-tranh-toan-dien-ve-lich-su-phat-giao-viet-nam-post1477129.html