Bức họa 'cổ mộc'
Với nghệ nhân làm nghề điêu khắc hoặc người thợ làm nghề chạm khắc trên các chất liệu đá, gỗ, thậm chí tinh xảo hơn là thợ chạm bạc thì việc có những tác phẩm được ca tụng cũng là điều hẳn nhiên. Nhưng với ông Trần Khi - chủ nhà vườn Sa Pa Khi, một người rất đỗi bình thường, sinh ra và lớn lên tại Sa Pa thì điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả, ấy là ông không qua trường lớp nào, như một thứ đam mê ngẫu nhiên 'cuộc đời bắt ông phải vậy', khiến ông đi suốt quãng đời cho đến gần tuổi lục tuần vẫn không ngừng say sưa với những nét chạm khắc trên các tấm gỗ cũ kỹ. Không ít bạn bè, thậm chí vợ con ông có lúc không mấy đồng tâm với ông bởi gánh nặng 'cơm áo gạo tiền', mà cho rằng những tác phẩm 'cổ mộc' của ông như một sự 'khác người' và 'vô bổ'…
Ông bảo, tác phẩm khắc đầu tiên cách đây mới gần 25 năm thôi, với một người trong nghề thì chừng ấy thời gian chưa hẳn đã thấm hết những “hỉ, nộ, ái, ố” của một kiếp nghề. Thời ấy, cũng không còn nhớ chính xác mốc thời gian, nhưng vào khoảng năm 1995, ông khắc hình con sư tử từ rễ cây cũng thật tình cờ. Ấy là trong một lần đi rừng, nhặt được chiếc rễ cây, vốn là người đam mê cây cảnh nên dường như việc nhìn thấy rễ cây mà nhiều người tưởng chừng như vô tri vô giác ấy lại mang đến cho ông Khi sự ngẫu hứng đến kỳ lạ, khiến ông quên ăn, quên ngủ. Có lúc, trong cơn mê thiếp đi, bất giác như chiếc lò xo bật dậy, ông lại “đục đục, đẽo đẽo” vội vàng, vội vàng như sợ dòng cảm hứng trôi vụt mất.
Tác phẩm đầu tay “thô kệch” nhưng rất có hồn. Rất tiếc qua thăng trầm của cuộc sống, ông không còn giữ được nó ở lại với mình nữa. Sau đó, ông làm những chiếc đèn ngủ nhỏ bằng gỗ, khách du lịch lên Sa Pa rất thích, làm ra đến đâu khách mua hết đến đó. Thế rồi, ngọn lửa đam mê chẳng hiểu sao như được “cời” lên rồi nhen nhóm, rồi bùng cháy… lần lượt các bức họa trên gỗ cũ ra đời chất chứa đầy nỗi niềm, khắc khoải, có cả sự đau đáu về thế sự, nhân sinh. Với một trái tim và tấm lòng yêu cái đẹp, quý trọng tình thân như được dồn nén, chất chứa trong lòng bao ngày nay được bung ra và họa trên những phiến gỗ, khiến cho các tác phẩm của ông ngày càng sắc nét và có chiều sâu qua năm tháng cuộc đời. Mỗi tác phẩm điêu khắc ông đều gửi vào đó biết bao tâm sự, những câu chuyện kể về cuộc đời...
Với ông Khi, có lẽ đam mê lớn nhất là những tấm lợp mái nhà bằng gỗ pơ mu, cách lợp nhà truyền thống của đồng bào Mông Sa Pa. Vì thế, bức họa trên gỗ của ông đều là những tấm lợp pơ mu đã qua sử dụng. Có những tấm lợp đã “trơ gan cùng tuế nguyệt”, dãi dầu mưa nắng vài chục năm trên mái nhà, nhưng dưới bàn tay tài hoa và trái tim nghệ sỹ, những tấm “cổ mộc” ấy lại hồi sinh, mang sinh mệnh mới - tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Không chỉ lao động nghệ thuật, ông Khi còn mong muốn bảo tồn những tấm lợp pơ mu ấy như một giá trị riêng, bởi giờ đây những tấm lợp pơ mu ấy ngày càng ít đi và trở nên quý hiếm. Ông phải đi vào tận bản xa để sưu tầm, tìm và mua lại những tấm gỗ cũ, nhiều tấm đã mục một phần, những thùng gỗ ngâm chân, chậu rửa mặt bằng gỗ mà người dân không còn sử dụng nữa. Ông Khi bảo: Không hiểu sao, những mảnh gỗ cũ gợi cho mình rất nhiều cảm xúc sáng tác. Có khi trong đầu nảy ra ý tưởng để chạm khắc, nhưng khi đặt chiếc đục lên gỗ, bằng nguồn ngẫu hứng mới lại cho ra tác phẩm khác với ý tưởng ban đầu…
Trong khu nhà vườn Sa Pa Khi, không gian lắng đọng chiều cuối năm se lạnh. Nắng nhẹ, tiếng nước chảy róc rách, tiếng nhạc du dương phát ra từ chiếc loa do gia chủ tự chế từ chiếc bễ lò rèn của đồng bào Mông, làm bằng gỗ pơ-mu cũng được ông sáng tạo và “biến hóa” thành chiếc loa có một không hai với bức họa mô phỏng ở vỏ ngoài. Tôi được ông mời thưởng trà trước một “bungalow” bằng gỗ, lợp mái pơ mu rêu mốc, có tấm còn phủ đầy cây cỏ. Trầm mặc hồi lâu, rồi ông thủng thẳng: Đây là chiếc chuồng trâu của người đồng bào đấy, kia là chiếc thùng tắm của đồng bào đấy…
Dù ban đầu ông không mấy thiện chí về cuộc gặp gỡ đường đột, không hẹn trước này, cũng không thích nói về mình, về những việc mình đang làm, nhưng rồi cảm nhận được sự chân thành của khách, ông mới trải lòng. Rồi những dòng tự sự của ông cứ thế ào ạt tuôn ra, dẫn dắt tôi như lạc vào một mê cung đầy sự thăng hoa của một tâm hồn nghệ sỹ.
Chủ đề chủ đạo, xuyên suốt tác phẩm điêu khắc của ông Khi là về tình mẫu tử… không phải sự sắp đặt có chủ đích mà khi các tác phẩm đã hoàn thành thì ông mới nhận ra được điều ấy. Rất “hữu xạ tự nhiên hương”, bởi theo ông, không vì mục đích kiếm tìm vật chất mà những tác phẩm ấy chỉ là giây phút thăng hoa đã nói hộ điều trong lòng ông đang chất chứa mà thôi. Có thể với những người điêu khắc thực thụ và có nghề thì sự nung nấu bao giờ cũng mang chủ đích về một tác phẩm họ muốn thể hiện, để vươn tới đỉnh cao nghệ thuật nhất định. Nhưng với ông Khi, chỉ đơn giản là để giãi bày cảm xúc, nỗi niềm dâng trào ông gửi vào những đường chạm, nét đục. Bởi vậy, tác phẩm của ông cũng giản dị và mang phong cách riêng như chính con người ông vốn dĩ bao năm vẫn vậy. Không hoa mỹ sắc nét, không cầu kỳ nhưng chỉ cần nhìn vào những bức họa, đủ để người ta cảm nhận và chiêm nghiệm về những điều nhân sinh của cuộc sống, về vùng đất nơi ông đang sống.
Gia đình, cuộc sống thường nhật xung quanh ông, những nơi ông đã qua, người ông đã gặp dường như là chất liệu đầy sức sống để ông thỏa sức thể hiện đam mê của mình lên gỗ. Chỉ lên dãy tường treo những bức “cổ mộc”, dù không đặt tên cho tác phẩm cụ thể nào, nhưng ông vẫn cặn kẽ giới thiệu với tôi về cốt truyện của từng bức họa. Đây là bức tình mẫu tử, cảm hứng từ bầu sữa mẹ; đây là bức đứa trẻ rất hồn nhiên, thánh thiện; đây là bức tranh phiên chợ vùng cao… Không áp lực bởi kinh tế, không phải mục đích chạm ra để bán, nên với ông, có những tác phẩm vẫn còn đục dở dang và đã phải bỏ dở vì bị ngắt ngang dòng cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Cũng có tác phẩm ông phải hoàn thiện trong thời gian khá lâu, có khi ròng rã mấy tháng trời, bởi cứ lúc nào cảm thấy hứng thú và thật thăng hoa cảm xúc thì ông mới lại mang đục ra làm. Chính vì thế, nhiều lúc, ông vẫn bị cho là “hâm dở”… nhưng có lẽ cái “hâm dở” ấy đã làm nên nét độc đáo riêng mà không dễ gì pha lẫn giữa rất nhiều trường phái hội họa, chạm khắc cả trong lịch sử và đương đại.
Nếu mang ra so sánh thì quả thực to tát quá, bởi theo ông, những tác phẩm của mình sao dám sánh với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tên tuổi. Thế nhưng, ở các bức tranh gỗ của ông, tôi “cảm” được khí chất của một con người, của tâm hồn luôn khát khao vươn tới cái đẹp dù cái đẹp ấy thật giản dị, mộc mạc. Giá trị của khí chất ấy dần được khẳng định khi ngày càng có nhiều chủ nhân của các công trình kiến trúc, khách sạn, nhà hàng và những biệt thự sang trọng tìm đến tận nhà vườn Sa Pa Khi lựa chọn mua tranh của ông về để trưng bày trong không gian của mình. Thực sự tranh gỗ của ông Khi rất kén chọn không gian, bởi phải thật hiểu và yêu cái đẹp, phải biết lối bài trí theo đúng gu thẩm mỹ, phong cách của dòng tranh điêu khắc bằng tay ấy thì những tấm “cổ mộc” mới thực sự toát lên được vẻ đẹp và ý nghĩa…
Chính triết lý “Sống phải có đam mê, tôi chưa thấy ai thành công mà không có đam mê của riêng mình” đã theo ông Khi suốt những năm tháng qua và thổi vào những tấm “cổ mộc” một tình yêu nghệ thuật đầy vơi nỗi niềm...
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/buc-hoa-co-moc-z8n20200109125146509.htm