Bữa tiệc tôm hùm đe dọa sự nghiệp của bộ trưởng Pháp 'liêm chính'
Năm con tôm hùm xếp ngay ngắn trên đĩa, cạnh rượu vang trắng hảo hạng, đang khiến hai chính khách quyền lực nhất nước Pháp đau đầu, đe dọa sự nghiệp chính trị của một trong số họ.
Cho đến gần đây, François de Rugy, Bộ trưởng Sinh thái trong nội các của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng thời là Chủ tịch Hạ viện nước này, vẫn được coi là một chính khách chính trực.
Nhưng hình ảnh tôm hùm và rượu vang nói trên đã bùng nổ trên mạng Internet, khiến dư luận Pháp bất bình về việc ông tổ chức tiệc ăn tối xa xỉ cho bạn bè, họ hàng, tại địa điểm “xịn” nhất có thể: Hôtel de Lassay (Phủ chủ tịch Hạ viện), tiêu tốn tiền thuế của người dân, theo New York Times.
Giữa lúc dư luận Pháp chưa hết “dậy sóng” sau nhiều tháng biểu tình “áo khoác vàng” chống chính phủ, bức ảnh tôm hùm trên càng khiến ông Macron đau đầu, củng cố hình ảnh ông như một “tổng thống của người giàu”.
Dùng vang thượng hạng của nhà nước đãi bạn bè
Bản thân ông Macron vẫn đang phải chật vật để khắc phục hình ảnh một lãnh đạo xa người dân sau những tiết lộ về việc ông đặt mua đồ sứ đắt tiền, dự định xây dựng bể bơi mới ở nhà nghỉ mát của mình, và có những phát ngôn đầy miệt thị với người dân.
Ông Macron từng nói những người cao tuổi biểu tình phản đối cắt giảm lương hưu nên bớt kêu ca, và miêu tả người xuống đường vì cải cách của ông là “những kẻ lười biếng”. Ông cũng nói những người thất nghiệp chỉ cần “qua bên kia đường” là tìm được việc.
Nhưng Bộ trưởng Sinh thái de Rugy, nhân vật quyền lực thứ tư trong chính quyền, lại là người trước nay vẫn rất mực thước. Sau khi các nghị sĩ chỉ trích ông, và người biểu tình giương bóng bay khổng lồ hình tôm hùm để phản đối, ông ngay lập tức bị Thủ tướng Édouard Philippe triệu tập ngày 11/7.
Vợ ông, bà Séverine, người đã tổ chức bữa tối khiến ông bị chỉ trích, cũng không làm tình hình dịu hơn khi trả lời tờ báo điều tra Mediapart rằng “khi bạn làm chính trị, bạn không thể tách mình khỏi xã hội được” (ý nói chồng bà vẫn cần ăn uống, các bữa tiệc).
Lập tức, những người phê phán nói tôm hùm và rượu thượng hạng không phải là cách để một bộ trưởng kết nối với xã hội. Và lập luận của bà de Rugy cũng không thuyết phục được người dân khi họ thấy ảnh bà bên cạnh một chai Mouton-Rothschild 2004, trị giá khoảng 560 USD, đắt hơn nhiều so với rượu bình thường của dân Pháp.
Mediapart cho biết đã có hơn 10 tiệc ăn tối xa xỉ như vậy diễn ra từ giữa tháng 10/2017 đến tháng 6/2018, trong đó nhân viên phục vụ rượu vang và champagne lâu năm lấy từ hầm rượu của Quốc hội cho các vị khách, chủ yếu là bạn cá nhân của vợ chồng ông de Rugy.
“Quốc hội có hầm rượu sang lắm”, bà de Rugy nói với Mediapart. Về chủ đề này, một luật sư tên Yael Mellul cũng nói với kênh truyền hình Pháp BFM-TV: “Nó đẹp lắm, thực sự rất đẹp”.
Nhưng các đối thủ chính trị của ông Macron biết rõ rằng ở Pháp, thức ăn có thể là biểu tượng của đẳng cấp và quyền quý. Mathilde Panot, nghị sĩ đảng cực tả France Unbowed, "tweet" bức ảnh bữa trưa dân dã của bà ở Hạ viện: khoai tây nghiền và bánh quiche.
Đồng nghiệp của bà ở đảng France Unbowed, Adrien Quatennens, tweet thẳng thắn hơn: “Trong khi ông ấy đang tận hưởng tôm hùm với rượu sang, tôi đang bận rộn scan hóa đơn từ tiệm pizza bên đường (để được trả công tác phí)”.
Con người luôn phát biểu về minh bạch
Ngay từ đầu sự nghiệp, ông de Rugy đã khiến nhiều nghị sĩ bất bình vì lập trường nghiêm khắc đối với việc chi tiêu trong Quốc hội. “Tôi muốn các khoản chi phải minh bạch, có phân tích rõ ràng, để người dân biết tại Quốc hội, mỗi khoản chi tốn bao nhiêu”, ông phát biểu tháng 9/2017.
Nhưng có vẻ ngày đó đã quá xa.
“(Những bê bối hiện nay) rất đáng xấu hổ đối với ông. Ông từng biến mình thành người tiên phong về minh bạch và hành vi ứng xử của nghị sĩ”, Jean-Michel Clément, một nghị sĩ đã rời bỏ đảng của Tổng thống Macron năm ngoái, nói với New York Times.
“Thậm chí nếu ông trả lại tiền, cũng là quá muộn”, ông Clément nói. “Ông ấy đã bị tổn hại uy tín... Chắc chắn ở những vòng xoay, mọi người sẽ lên án” - ý nói các vòng xoay ở giao lộ, nơi diễn ra các cuộc biểu tình “áo khoác vàng” nhiều tháng liền.
Khởi đầu từ phong trào phản đối tăng thuế nhiên liệu, "áo khoác vàng" dần trở thành cuộc biểu tình chống lại các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Macron.
“Điều bê bối ở đây, dù đó là những bữa tối cá nhân, vẫn là sự lợi dụng các địa điểm công thuộc về đất nước”, Bruno Retailleau, lãnh đạo phe trung hữu trong Thượng viện Pháp, nói trên truyền hình.
Mediapart còn hé lộ thêm những thông tin bất lợi cho ông de Rugy. Ông đã buộc phải sa thải chánh văn phòng sau khi có tin bà vẫn giữ một căn hộ cao cấp được chính phủ trợ giá, dù bà không còn sống ở đó. Và trang tin này cũng viết về khoản tiền sửa sang lên tới 70.000 USD đối với các căn hộ của ông de Rugy do nhà nước cấp.
“Những tiết lộ trên càng làm khó ông trong nỗ lực lấy lại niềm tin của công chúng”, ông Clément nói.
Ông de Rugy rời văn phòng Thủ tướng Édouard Philippe ngày 11/7 với lời hứa “sẽ trả lời mọi câu hỏi mà người Pháp xứng đáng được biết”. Có thể ông vẫn giữ được chức vị, nhưng việc “sửa sang” sự tín nhiệm trong mắt công chúng sẽ không dễ dàng như việc sửa sang các căn hộ của ông.