BRICS – 'cửa sáng' cho các thị trường mới nổi

Từ ngày 22 đến 24/8/2023, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 15 diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi. Một trong những chủ đề được chờ đợi nhất của chương trình nghị sự hội nghị lần này là việc: Liệu các nước sáng lập của BRICS có đạt được sự nhất trí trong việc kết nạp thêm thành viên mới hay không?

Và, xoay quanh nó, được dấy lên càng lúc càng sôi động trước thềm hội nghị, là vấn đề: Tham gia BRICS có phải là một xu thế tích cực hay không?

Giữa những kẽ nứt của thế giới

Bắt đầu câu chuyện này, chúng ta có thể nhắc tới sự kiện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hồi cuối tháng 6/2023, đã công khai bảy tỏ sự quan tâm đến cơ hội tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15.

Mặc dù sau đó, ý tưởng này đã bị khước từ (bởi lý do “không phù hợp”, được đưa ra dựa trên những quan điểm địa chính trị trái chiều giữa nước Nga - thành viên sáng lập BRICS - với nước Pháp), nhưng như hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lời Koffi Kouakou, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi - Trung Quốc của Đại học Johannesburg (Nam Phi): “Tổng thống Macron đang ở thế khó. Việc ông Macron mong muốn xuất hiện tại Hội nghị BRICS cho thấy có sự rạn nứt trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)... Bất kỳ sự việc xảy ra như thế nào, việc Pháp “gõ cửa” ngỏ ý muốn tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS vẫn rất đáng lưu tâm”.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, nhiều chuyên gia phân tích quốc tế uy tín - như ông Kouakou - cho rằng BRICS ngày càng xác lập được vị thế quan trọng hơn trên toàn cầu, bởi khối này chiếm hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và hơn một nửa dân số thế giới.

BRICS sẽ trở thành đối trọng của G7?

Kể từ khi thành lập vào năm 2009, nhiều nhà chuyên môn đã đánh giá cao sự hiện diện của BRICS (viết tắt từ chữ cái đầu tên tiếng Anh của 5 nền kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), coi đây là đối trọng của các diễn đàn ngoại giao truyền thống do phương Tây chi phối, như G7.

Đến đầu tháng 8/2023, đã có 22 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập cơ chế hợp tác BRICS và làn sóng này vẫn đang trên đà tiếp tục gia tăng (nếu tính cả những sự chú ý không chính thức, như phía Nam Phi cho biết, con số này là khoảng 40 quốc gia). Trong “đoàn người xếp hàng”, có không ít những cường quốc khu vực như Argentina, Iran, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia hay Ai Cập...

Và, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, nước chủ nhà Nam Phi mời tổng cộng 69 quốc gia, bao gồm tất cả các quốc gia châu Phi - những đại diện tiêu biểu nhất của “thế giới thứ ba” tại Nam bán cầu, khu vực mang diện mạo hoàn toàn đối lập với Bắc bán cầu trù phú và thịnh vượng, cũng là châu lục đang dần trở thành vũ đài tranh chấp ảnh hưởng của các trung tâm quyền lực địa chính trị toàn cầu.

Một minh chứng cho khía cạnh ấy là chuyện: Song song với việc tham dự các cuộc họp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ đồng chủ trì đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc - châu Phi với người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nam Phi (từ 21 đến 24/8), nhằm “chào đón nhiều đối tác có cùng chí hướng tham gia BRICS trong thời gian sớm nhất” (và dĩ nhiên, nhằm khuếch trương vị thế).

Tuy vậy, ở phía bên kia những vết rạn trong khối G7 mà Sputnik dẫn lời ông Koffi Kouakou, liệu BRICS có thực sự gắn kết và đồng thuận?

Thực tế, trong khi Trung Quốc và Nga công khai ủng hộ thì Brazil và Ấn Độ lại tỏ ra khá dè dặt. Điều đó xuất phát từ việc các thành viên của khối có thể chế chính trị và hệ thống kinh tế khác nhau, dẫn tới các tham vọng cũng như định hướng chiến lược và các mối quan tâm riêng, khiến cho việc hoạch định một tiếng nói chung đồng nhất trở nên có phần tương đối khó khăn.

Giám đốc Viện Mỹ Latin thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Dmitry Razumovsky, nhận định: BRICS đã không còn là câu lạc bộ của các nhà lãnh đạo tăng trưởng. Điều này đòi hỏi BRICS cần lựa chọn kỹ các nước ứng viên, để sự tham gia của họ vào khối đem lại hiệu quả cho tiến trình giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay của thế giới đang phát triển, giúp các nước này trở nên nổi bật hơn.

Một thí dụ điển hình cho những rào cản này chính là việc cho đến hiện tại, mặc dù đều đã góp sức phủ định vị thế độc tôn truyền thống trên các thị trường thương mại quốc tế (đặc biệt là năng lượng và nhiên liệu) của đồng USD, song BRICS vẫn chưa thể đồng thuận được những phác thảo cơ bản về việc cho ra mắt một đồng tiền chung của cả khối (và độc lập với đồng USD).

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 15/8, dưới áp lực tăng cường huy động vốn và cho vay bằng đồng nội tệ của các nước thành viên, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB, được thành lập bởi BRICS) đã có phiên đấu thầu trái phiếu lần đầu tiên bằng đồng nội tệ rand của Nam Phi. Trước đây, trái phiếu bằng đồng nội tệ do NDB phát hành phần lớn là bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Cơ hội để lên tiếng và ước vọng đổi thay

Mặc dù vậy, nghĩa là mặc dù các thành viên sáng lập BRICS vẫn còn chưa thống nhất được cơ chế kết nạp thành viên mới, để trở thành một BRICS+, tương tự như sự mở rộng của Hiệp hội Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kết hợp với các đối tác và trở thành OPEC+ thì những mối quan tâm dành cho việc tham dự cơ chế hợp tác này cũng vẫn ngày càng trở nên rõ rệt.

Lý giải cho xu thế này, đơn cử, một số nhà quan sát quốc tế Nhật Bản phân tích: Hệ thống quốc tế hiện nay do phương Tây (Mỹ và các nước châu Âu) thống trị, trong khi quan điểm của phần còn lại thế giới, nhất là các nước đang phát triển, lại chưa được phản ánh đầy đủ. Các nền kinh tế mới nổi hy vọng có được cơ hội bày tỏ ý kiến của mình và cơ chế hợp tác BRICS hứa hẹn sẽ cung cấp những cơ hội đó.

Một thí dụ cụ thể: Giá năng lượng và lương thực tăng cao, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga, là mối quan ngại sâu sắc của không ít quốc gia nghèo hoặc đang phát triển (chủ yếu nằm tại Nam bán cầu). Rất nhiều nước trong số họ không hài lòng với “tiêu chuẩn kép” của phương Tây. Có thể hiểu, họ hy vọng một cơ chế gắn kết các thị trường kinh tế mới nổi sẽ có đủ sức nặng, để giúp họ bày tỏ đầy đủ quan điểm, trọn vẹn lập trường.

Luồng quan điểm này cũng phù hợp với nhận định từ góc nhìn tương tự của ông Koffi Koaukou, khi ông cho rằng việc hàng chục quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực, gồm các quốc gia Arab và Nam bán cầu, tuyên bố muốn tham gia BRICS được thống nhất bởi tầm nhìn về một thế giới đa cực, trái ngược với “trật tự dựa trên luật lệ” do Mỹ thúc đẩy.

Một bài viết gần đây trên trang Bình luận Trung Quốc (có trụ sở tại Hong Kong) cũng đánh giá: “Sau khi nước Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một lằn ranh đã thực sự chia thế giới thành hai nửa. Tuy dưới sức ép của phương Tây, số lượng các nước châu Phi tham dự Diễn đàn Nga đã giảm mạnh nhưng thông qua hành động thực tế, các nhà lãnh đạo châu Phi đã bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ đối với Mỹ và các nước phương Tây khác. Như báo giới từng mô tả, phương Tây bỗng nhiên bị cô lập, khi các quốc gia Nam bán cầu ngày càng không hài lòng với tình hình thế giới hiện tại...

Đối với các quốc gia Nam bán cầu, cuộc chiến ở Ukraine là một lời cảnh tỉnh. Một mặt, nó khiến họ nhận ra rằng phương Tây sẽ làm mọi cách để đạt được mục tiêu chiến lược của riêng mình. Mặt khác, các nước đó cũng nhận thức rõ: Để thay đổi trật tự kinh tế-chính trị quốc tế bất cập hiện hữu, họ cần phải đoàn kết và tìm kiếm giải pháp, thay vì trông chờ Mỹ và các cường quốc phương Tây chủ động thay đổi lập trường”.

Như một đại biểu của Nam Phi từng phát biểu: “Kể từ năm 1945, cấu trúc hệ thống chính trị, kinh tế và tài chính của thế giới không thay đổi. Điều này là không công bằng và không hiệu quả”. Đặc biệt, nó càng trở nên không công bằng và không hiệu quả khi những sự bất công từ khoảng cách giàu nghèo liên tiếp được thể hiện rõ qua thời kỳ đại dịch COVID-19 tàn phá toàn cầu, cho đến những mối hiểm họa biến đối khí hậu và môi trường đang đe dọa sự tồn vong của cả loài người.

Như chúng ta đều đã biết, châu Phi là châu lục phát khí thải ít nhất nhưng lại phải chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất và vẫn đang không có cách nào khác ngoài kêu gọi sự hỗ trợ (nhất là về tài chính) từ các nước phát triển, nhằm xây dựng năng lực tự thích ứng, để đối diện với biến đổi khí hậu.

Kinh tế - sức hút quan trọng nhất

Song, trước cả những ý niệm về công bằng hay nhân bản, về thế giới đơn cực hay đa cực, về cơ hội để không bị “kẹt giữa những làn đạn”, đầu tiên và cuối cùng, điều cốt lõi tạo nên sức hút của BRICS trong hiện tại vẫn là lợi ích kinh tế.

Dù có hơi đánh mất tốc độ tăng trưởng sau đại dịch COVID-19 cũng như sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, GDP của BRICS (31,5%) vẫn vượt qua G7 (30,7%) trong đóng góp cho GDP toàn cầu, xét về sức mua tương đương (PPP).

Đến cuối năm 2022, theo kết quả Báo cáo Tài sản toàn cầu thường niên do các ngân hàng Credit Suisse và UBS thực hiện (mới được công bố ngày 15/8, dựa trên số liệu thống kê tài sản của 5,4 tỷ người trưởng thành tại 200 thị trường), Nga, Mexico, Ấn Độ và Brazil là những nước ghi nhận lượng tài sản gia tăng lớn nhất. Báo cáo cũng dự đoán tài sản của BRICS sẽ tăng 30% vào năm 2027.

Bức tranh tổng thể này gợi lên một tâm trạng chung, rằng cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế đối trọng với G7 này thực sự đang tạo nên thịnh vượng, cũng như kiến tạo rất nhiều cơ hội phát triển trong ngắn và trung hạn. Nó hoàn toàn có thể góp phần đẩy lùi tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên thế giới trong những năm tới.

Do đó, càng ngày sẽ càng có nhiều nước đang phát triển muốn góp mặt trong “bữa tiệc” này - điều vừa mang lại lợi ích cho chính họ, vừa tiếp tục nâng cao vị thế của BRICS.

Thiên Thư

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/brics--cua-sang-cho-cac-thi-truong-moi-noi-i704920/