Brazil đau đầu vì cháy rừng Amazon

Bất chấp nỗ lực chữa cháy không thành, Brazil vẫn kiên quyết từ chối nhận viện trợ của các nước G7 để chống lại các đám cháy rừng lan nhanh ở Amazon.

Bất chấp nỗ lực chữa cháy không thành, Brazil vẫn kiên quyết từ chối nhận viện trợ của các nước G7 để chống lại các đám cháy rừng lan nhanh ở Amazon.

Biểu tình phản đối chính phủ Brazil và kêu gọi nước này bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon trước Đại sứ quán Brazil ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Hàng trăm đám cháy mới đã bùng lên ở Amazon trong ngày 27-8, ngay cả khi máy bay quân sự Brazil đổ khối lượng nước khổng lồ vào các khu vực bị tàn phá nặng nề nhất, trong khi các quốc gia G7 cam kết sẽ giúp chính phủ Tổng thống Jair Bolsonaro chống lại “giặc lửa”.

Khói làm nghẹt thở thành phố Porto Velho và buộc đóng cửa sân bay trong gần 2 giờ đồng hồ khi đám cháy bùng phát ở bang Rondonia phía tây bắc, nơi các nỗ lực chữa cháy đang được tập trung, giữa một cuộc nổi dậy toàn cầu đang gia tăng và cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Brazil. “Theo một cách nào đó, tất cả chúng ta đều là những người hút thuốc thụ động”, ông Sergio Pereira, người đứng đầu một bệnh viện nhi ở thành phố nơi có nhiều người đang phải điều trị các vấn đề về hô hấp.

Pháp - Brazil khẩu chiến gay gắt

Bất chấp nỗ lực chữa cháy không thành, Brazil vẫn kiên quyết từ chối nhận viện trợ của các nước G7 để chống lại các đám cháy rừng lan nhanh ở Amazon, với việc một quan chức hàng đầu của nước này tuyên bố với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng hãy quan tâm “đất nước và những thuộc địa của ông”.

Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Brazil, ông Onyx Lorenzoni, nêu rõ: “Chúng tôi cảm kích trước đề nghị này, nhưng có lẽ những nguồn lực này sử dụng thích đáng hơn cho việc tái trồng cây gây rừng Châu Âu”. Quan điểm này được công bố trên trang tin điện tử G1 khi đề cập đến cam kết 20 triệu USD được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Pháp nhằm chống lại thảm họa cháy rừng Amazon.

Theo giới phân tích, nguyên nhân cho việc Brazil kiên quyết từ chối này bắt đầu từ việc ông Macron đã chỉ trích quốc gia Nam Mỹ về thảm họa cháy rừng Amazon ngay trong ngày khai mạc hội nghị G7. Theo đó, nhà lãnh đạo Pháp mô tả nạn cháy rừng là “cuộc khủng hoảng quốc tế”, đồng thời cho rằng chính phủ Brazil thiếu nỗ lực trong hành động đối phó. Ngay lập tức, nhà lãnh đạo Brazil đáp trả rằng, ông Macron lợi dụng vấn đề cho mục đích chính trị cá nhân và tố người đồng cấp Pháp có “tâm lý thực dân”.

Vấn đề còn đi xa hơn nữa khi sau đó cả hai nhà lãnh đạo còn vướng vào vụ tranh cãi gay gắt liên quan những bình luận được cho là thô lỗ của ông Bolsonaro đối với vợ của ông Macron. Một tài khoản mạng xã hội mang tên ông Bolsonaro đã đăng tải nội dung chế giễu sự xuất hiện của đệ nhất phu nhân Brigitte, 66 tuổi, và so sánh sự bất lợi của vợ Tổng thống Pháp với đệ nhất phu nhân Brazil, bà Michelle Bolsonaro, 37 tuổi.

Lối đi nào cho chính phủ Brazil?

Những vụ cháy kỷ lục đang tàn phá rừng Amazon không chỉ gây phẫn nộ ở trong nước Brazil mà còn khiến dư luận quốc tế phẫn nộ vì tầm quan trọng của khu rừng nhiệt đới này đối với môi trường toàn cầu.

Điều này đang đặt ra áp lực mạnh mẽ lên chính phủ Brazil, buộc Tổng thống Bolsonaro phái quân đội hỗ trợ chữa cháy. Dù phải thừa nhận không có đủ nguồn lực để dập tắt những đám cháy lớn ở Amazon nhưng Tổng thống Bolsonaro cũng cảnh báo các nước khác không nên can thiệp. Tổng thống Brazil mới đây đã ra lệnh điều tra thông tin rằng, các nhà sản xuất ở nông thôn thuộc bang miền bắc Para đã tổ chức “ngày cháy” vào ngày 10-8 để thể hiện sự ủng hộ đối với những nỗ lực của các nhà lãnh đạo cực hữu nhằm làm suy yếu việc giám sát bảo vệ môi trường. Bộ Ngoại giao Brazil cũng đã yêu cầu các đại sứ nước này ở Châu Âu và các nước nhóm G7 không đi nghỉ trong 2 tuần tới để điều phối các phản ứng ngoại giao trước sự quan tâm của quốc tế về tình hình cháy rừng Amazon.

Bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Bolsonaro, chỉ số tín nhiệm đối với chính phủ tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng sau chỉ 8 tháng cầm quyền với tỷ lệ ủng hộ chỉ còn 29,4% so với 38,9% hồi tháng 2. Về cá nhân Tổng thống Bolsonaro, tỷ lệ phản đối vai trò của nhà lãnh đạo này đã tăng từ 28,2% hồi đầu năm lên tới 53,7%. Theo đánh giá của dư luận, Tổng thống Bolsonaro rất kém trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới y tế, giáo dục và đặc biệt là môi trường, lĩnh vực mà cả dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích mạnh mẽ do để xảy ra các vụ cháy rừng trên diện rộng ở vùng Amazon mà không đưa ra được những biện pháp xử lý hữu hiệu.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_211662_brazil-dau-dau-vi-chay-rung-amazon.aspx