Bóng đá trẻ Việt Nam đang đứng ở đâu trong khu vực?
Các đội tuyển U16 và U19 Việt Nam thất bại đau đớn tại giải Đông Nam Á. Bóng đá trẻ Việt Nam đang đứng ở đâu trong khu vực, khi mà chúng ta đặt tham vọng tại World Cup 2030.
Phát biểu sau trận đấu cuối cùng tại giải vô địch U19 Đông Nam Á 2024, Huấn luyện viên (HLV) Hứa Hiền Vinh cho biết việc được tiếp xúc với những lối chơi khác nhau tại giải đấu này là điều rất tích cực đối với các cầu thủ, qua đó cũng giúp đội có sự chuẩn bị tốt hơn cho Vòng loại U20 châu Á 2025 sắp tới. Cũng theo đánh giá của HLV Hứa Hiền Vinh, tại giải U19 Đông Nam Á 2024, đội tuyển U19 Việt Nam đã được tiếp xúc với những lối chơi khác nhau. Đó là điều rất tốt cho sự phát triển về chuyên môn đối với các cầu thủ trẻ. “Đơn cử như U19 Australia chuyển đổi trạng thái nhanh, trong lúc U19 Myanmar lại đá co cụm. Đó là những trải nghiệm tốt cho các cầu thủ. BHL sẽ đưa ra nhiều cách chơi để thích ứng sau này”, HLV Hứa Hiền Vinh chia sẻ.
Các lý giải về thất bại của U19 thực sự là chưa thuyết phục của ông Vinh, vì thực sự lối chơi của U19 chúng ta không có nét, thiếu sức sống mạnh mẽ. Việc chúng ta tiếp xúc với những nền bóng đá hiện đại, phát triển là điều tốt, nhưng cách để xây dựng bóng đá trẻ Việt Nam thì đang thiếu hụt và không có sự chuyên nghiệp, vẫn “ăn đong” từ các CLB và các Trung tâm đào tạo trẻ không còn mạnh nữa.
Giải U16 Đông Nam Á 2024, U16 Việt Nam hòa U16 Campuchia 1-1, thắng Myanmar 5-1 và Brunei 15-0. Sau đó thua U16 Thái Lan 1-2 ở bán kết, thảm bại 0-5 trước U16 Indonesia ở trận tranh hạng ba. Trong khi đó, U19 Việt Nam thậm chí còn bị U19 Myanmar dồn ép ở nhiều thời điểm trong trận hòa 1-1. Thành tích đó cho thấy các đội trẻ chúng ta chỉ thắng được các đội quá yếu, khi gặp đội bóng ngang cơ thi đấu rất khó khăn.
Ở Giải U19 Đông Nam Á, Việt Nam chỉ một lần vô địch vào năm 2007 nhưng có đến bốn lần về nhì ở các năm 2011, 2013, 2014, 2015 và ba lần hạng ba vào các năm 2009, 2016, 2022. Lần này, chúng ta bị loại quá sớm, kéo dài chuỗi thành tích đáng thất vọng. U19 Việt Nam bị loại từ vòng bảng đến ba lần vào các năm 2017, 2018 và 2019. Một kết quả đáng báo động cho công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam...
Lò đào tạo trẻ danh tiếng HAGL JMG, sau lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… làm rạng danh đội tuyển quốc gia vẫn chưa cho ra lò được các lứa kế cận có năng lực tương đương. Hoặc như trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, sau khi HLV Philippe Troussier ra đi việc tuyển chọn và phát triển nhân tài từ các lứa trẻ ít nhiều bị ảnh hưởng.
HLV Trần Minh Chiến của đội tuyển U16 Việt Nam cho rằng nền tảng thể lực đi xuống nên các cầu thủ trẻ Việt Nam đã không thể làm chủ được bản thân trong trận đấu. “Như các bạn thấy, bóng đá trẻ có nhiều tình huống không ngờ lại xảy ra. Hai bàn xảy ra quá nhanh ở cuối hiệp 1. Khi thể lực đi xuống nên các cầu thủ đã không làm chủ bản thân dẫn đến sai lầm không đáng có”, HLV Trần Minh Chiến bày tỏ.