Bởi tôi yêu vĩnh viễn cuộc đời này

Đoàn Văn Mật có tính tỉ mẩn, cẩn trọng và cầu toàn. Những đặc tính ấy, không chỉ ở trong anh mà còn trong thơ. Những câu thơ kĩ càng, tinh xảo và ấm áp. Tựa thể chữ của anh chắt chiu từ trải nghiệm của hơn nửa quãng đời trần này, nối lại, trải trên trang thơ. Những câu thơ cứ vậy mà nắm níu mắt nhìn, nương nấu tâm khảm, vướng vít suy niệm rồi vọng vang tấc dạ người đọc.

1. Tôi nhớ lần đầu mình gặp nhà thơ Đoàn Văn Mật là lần đi trại sáng tác ở Cần Thơ. Đêm ngồi quây quần đọc thơ và bàn chuyện phiếm giữa cơn mưa dầm dề miền Tây, mới hay ngoài thơ thì anh Mật còn hát rất hay.

Kì trại ấy chúng tôi cứ mãi nhắc nhau về tin nhắn mỗi bữa ăn từ anh, dù trại viên đôi khi lang thang đâu đó để tìm cảm hứng thì cứ đúng giờ là sẽ nhận được tin nhắn về ăn cơm của anh. Có lần đợi mãi vẫn chưa thấy tôi về, chắc anh sợ tôi đi lạc đâu đó ở xứ gạo trắng nước trong nên điện thoại liên hồi. Tôi băng cơn mưa về thấy tất cả các thành viên đang đợi mình về cùng ăn cơm. Người ướt sũng, lạnh run mà lòng ấm áp vô cùng. Chúng tôi Bắc - Trung - Nam ngồi lại gần nhau, thân nhau, và gắn kết đến tận bây giờ phần lớn cũng chính nhờ sự chăm chút kết nối của nhà thơ Đoàn Văn Mật.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật.

Đoàn Văn Mật có tính tỉ mẩn, cẩn trọng và cầu toàn. Những đặc tính ấy, không chỉ ở trong anh mà còn trong thơ. Những câu thơ kĩ càng, tinh xảo và ấm áp. Tựa thể chữ của anh chắt chiu từ trải nghiệm của hơn nửa quãng đời trần này, nối lại, trải trên trang thơ. Những câu thơ cứ vậy mà nắm níu mắt nhìn, nương nấu tâm khảm, vướng vít suy niệm rồi vọng vang tấc dạ người đọc. “vừa bước ra từ đêm/ chữ với chữ xếp hàng/ chữ ngay ngắn/ chữ nghiêm trang/ chữ ngả nghiêng/ chữ nối chữ đáp từ cùng chữ/ chữ chữ gặp nhau nhắn nhủ đời mình…” - Trích “Đêm ở nhà số 4”.

Tôi hay để ý cách ngắt chữ của thơ Đoàn Văn Mật, bởi đó là điều gì đó rất riêng của anh. Một cách tinh tường đến mức có lần nhà thơ trẻ Vĩ Hạ bảo đó là quái kiệt. Lần ấy anh biên tập một bài thơ của chàng trai trẻ mới 18 tuổi, vừa giành giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chỉ một câu anh ngắt chữ, xuống dòng, mà Vĩ Hạ đã tâm đắc thán phục sự tài tình của anh. Cách ngắt chữ đã làm bài thơ Vĩ Hạ mở ra một biên độ mênh mông của vỉa tầng nghĩa trong thơ. Bữa đó, bên ly cà phê ở một quán cóc giữa sầm uất, ồn ã đại đô thị phương Nam, chúng tôi nói về một người thơ phương Bắc với sự thán phục.

Tôi không cho đó là sự cố tình tạo nét thơ của Đoàn Văn Mật, mà đó là bản năng thơ của chính anh. Thơ anh luôn là những câu ngắn, ít chữ, cô đọng, súc tích nhưng mang mang ý tứ. Đôi khi độc giả thấy anh vẽ ra một bức tranh chữ rất trừu tượng, mở lối mê cung và dẫn dắt người đọc đi vào mê lộ của chữ, của thơ nhưng đến cuối đoạn đường lại hạnh ngộ với những điều rất xanh lành, lấp lánh thứ ánh sáng của sự tích cực. “…im lặng vẽ gương mặt mình/ những đường quá vãng/ mẹ sinh ta lúc tang tảng sáng/ ngõ chùa đằng đẵng chuông ngân/ …mười năm mơ một ngôi nhà/ đựng vừa tiếng trẻ/ im lặng vẽ từng cánh hoa/ đêm vừa mở làn hương thật khẽ/ một bầu trời đơn lẻ/ sáng lên từ những nhỏ nhoi” - Trích “Vẽ một người”.

2. Tôi đón nhận tập thơ mới nhất của anh mang tên “Ngoài mây trời đầy trống vắng” bằng tâm thế háo hức, muốn đọc ngay, và nhanh nhất. Nhưng rồi phải đọc chậm và kĩ. Tôi chia tập thơ ra thành 5 quãng đọc tương ứng với 5 đề mục của anh trong tập thơ này. Mỗi đề mục, Đoàn Văn Mật như quyến dụ độc giả đến với thơ mình bằng tâm thế an tĩnh và thong dong nhất. Những nhàn tản từng bước đó, khiến độc giả lật từng trang thật kĩ càng, đọc, và ngẫm. Ở đề mục đầu mang tên “Sợ làm lay chiếc bóng”, nhà thơ vung cọ vẽ những vụn vặt đời thường thân gần nhất để độc giả bắt đầu tiếp cận dễ dàng.

Chọn bài thơ “Chầm chậm” mở đầu tập thơ, anh nói về mẹ, về cha, về cuộc về nguồn của chính mình. Một sự sắp xếp khơi màu cho mạch yêu thương chảy tràn xuyên suốt tập thơ. Khi người ta chọn bước chậm trên liến xáo nhân gian cũng là lúc đời đủ đầy độ chín. Những thác ghềnh gieo neo dâu bể nào đó của đời người, kì thực chỉ khi lòng đủ lắng mới rọi ra được yêu thương chìm khuất, mới thấu được nẻo về niệm ý.

Bìa tập thơ mới của nhà thơ Đoàn Văn Mật.

Gần 60 bài thơ luôn là một nẻo về mà niệm ý soi chiếu cho bước đi. Bước đi từ ban mai, quay về với đêm. Chữ đi ra từ thân, quay về với ý. Còn lại gì với người viết? Còn lại gì với người đọc? Tin chắc đó là hồn chữ trăm năm quấn lấy tâm mình. Xác chữ sẽ phai theo thời gian bạc màu mực. “Đêm lặng nghe đất thở/ nhớ trời xanh mấy độ lụi tàn/ đường xa vọng tiếng người trong gió/ một cánh hoa vàng suốt trăm năm” – Trích “Hoa vàng trong gió”. Gói gọn chỉ bốn câu thơ nhưng là dặm dài của lời đồng vọng. Đôi khi vọng cả miên trường vĩnh cửu.

Khi đọc đến đề mục thứ 3 mang tên “Nơi chưa từng dừng lại”, tôi nghĩ, có lẽ bạn đọc cũng sẽ như tôi, thấy cay nồng sống mũi. Bố cục tập thơ cứ dắt díu chúng ta đi từ những điều nhỏ nhoi bình dị cho đến những cảm xúc thiêng liêng ngời ngợi sự thương tưởng. Tôi luôn tin vào những điều nào đó được gọi là duyên hạnh ngộ.

Khi đọc đến bài thơ “Dấu chân Sơn Mỹ”, tôi giật mình thảng thốt, bởi cách mấy ngày, tôi vừa đến Sơn Mỹ, trầm mình trong câu chuyện thương tâm với cuộc thảm sát Mỹ Lai vào tháng 3 năm 1968. Tôi đi qua từng tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc tàn bạo ấy mà rùng mình. Tôi lang thang cả chiều quanh những ngôi mộ, quanh mảnh đất đang ấm hơi nhang. Tôi thấy giữa nắng hè hừng hực vẫn có những người rì rầm câu kinh cầu siêu trước đài tưởng niệm. Nắng và gió Quảng Ngãi lồng câu chuyện mênh mông cõi lòng tôi.

Dấu giày đinh lẫn vết chân bùn/ tôi đến Sơn Mỹ sau bốn tám năm/ người cũng đã khuất từ dạo ấy/ còn đau cho đến bao giờ…”. Bất giác tôi nghe khóe mắt mình cay khi chạm bốn câu thơ này trong bài thơ. Cảm xúc như đi đến tận cùng của niềm thương. Không một mỹ từ cao siêu, không một kĩ thuật đan cài, càng không có sự gồng gượng sống sượng của cảm xúc. Thơ Đoàn Văn Mật ở đề mục này đi ra từ nhà số 4 và chạm đáy tâm hồn của độc giả một cách giản đơn nhất bởi cách anh dùng câu chữ. Những câu chữ thiệt thà với nỗi đau, thường luôn khiến người đọc thao thiết.

3. Thoảng khi có dịp đến Hà Nội, tôi hay lê la cùng các văn nhân thi sĩ. Có lần giữa lúc vội vã của chuyến đi ngắn ngày, tôi ngồi cùng anh ở một góc phố nghe mùa thu trở mình âm trầm giăng xám. Ngồi cùng anh để nghe anh kể về thơ, về đời, và về mái gia đình nhỏ xinh cùng nữ sĩ Lữ Mai. Dường như gia đình chính là cơn cớ để thơ anh lấp lánh sáng. Cứ cuối mỗi bài thơ anh mở ra những yêu thương để hong ấm lòng người đọc. Ngay chính trong tập thơ này cũng vậy, anh nói về tranh, về hoa, tất cả những thứ đó, tôi biết Lữ Mai rất thích. Trong căn nhà mới của gia đình thi nhân treo đầy tranh. Hoa cũng thế theo mùa rộn ràng với mái ấm nhỏ này. Hạnh phúc luôn đong đầy trong ánh mắt anh khi nói về gia đình.

Văn đàn vẫn kháo nhau Đoàn Văn Mật cưng vợ nhất. Mà thật thế, trong kì đi trại Cần Thơ, một hôm Lữ Mai bệnh ở Hà Nội, nơi miền Tây sông nước anh Mật lo đứng ngồi chẳng yên, trại viên chúng tôi cũng lo. Gần cuối đêm đó mới có tin Lữ Mai ổn định sức khỏe, cả trại cũng thở phào nhẹ nhõm. Chúng tôi ngồi với đêm Cần Thơ nói về thơ và đời. Nói về tình yêu và duyên phận. Chúng tôi nói rất nhiều và sát bên nhau. Những câu chữ dắt chúng tôi đến gần nhau hơn, bằng một sợi dây liên kết nào đấy, chúng tôi buồn vui cho những vui buồn của người cùng trại. Nhưng, chính điều đó cho tôi thấy một đời sống văn chương tử tế luôn hiện hữu giữa những bạn viết.

Tôi hay đùa rằng chỉ cần theo dõi bài viết của cô con gái ngọt ngào như viên Kẹo của anh Mật thì biết tất chuyện nhà Mật. Bởi cô con gái nhỏ ấy cũng thừa hưởng được máu văn chương từ bố mẹ. Kẹo bắt đầu viết và đã có giải thưởng nhỏ xinh để đi trên con đường văn của riêng mình. Vậy nên, tôi khép trang thơ của Đoàn Văn Mật bằng một nụ cười với mấy câu thơ trích trong bài "Mỗi ngày": “…ngôi nhà chúng ta nhỏ thôi/ hạnh phúc chúng ta nhỏ thôi/ cuộc đời chúng ta nhỏ nhoi/ nhưng đang thì thầm hát/ bài hát ngân vang trong vời vợi kiếp người”. Và tôi tin chính hạnh phúc bình dị ấy, khiến nhà thơ reo vui trong tập thơ này: Bởi tôi yêu vĩnh viễn cuộc đời này.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/boi-toi-yeu-vinh-vien-cuoc-doi-nay-i701083/