Bội thu tác phẩm viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống

Trại sáng tác 'Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống' tổ chức tại TP Vũng Tàu có 32 nhà văn tham dự, nhưng có đến 34 tác phẩm được hình thành, triển khai, hoàn thiện. Chưa nói tới chất lượng tác phẩm, nhưng nhìn vào kết quả số lượng cũng đủ thấy sự háo hức, tưng bừng khí thế sáng tác...

"Món nợ ân tình"

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải dí dỏm cho biết bà là người "trẻ nhất" tham gia trại sáng tác lần này. Bà là tác giả cuốn "Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời", giải A cuộc thi viết tiểu thuyết và truyện ký "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" của Bộ Công an - Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ nhất (1999-2002); Giải văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm "Tôi chết bắt đầu một thế giới sống" và nhiều tác phẩm khác. Dự trại sáng tác lần này, bà đã kịp viết xong 5 chương cuốn sách "Võ Thị Thắng - còn hơn cả nụ cười", tái hiện câu chuyện của người phụ nữ kiên cường đã vượt qua những thử thách trong cả thời bình và thời chiến…

Các đại biểu cùng các tác giả tại lễ khai mạc Trại sáng tác "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống".

Các đại biểu cùng các tác giả tại lễ khai mạc Trại sáng tác "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống".

"Trại sáng tác được tổ chức rất chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi giúp các nhà văn, tác giả có thể thâm nhập thực tế, tạo cảm hứng sáng tác. Chúng tôi luôn ý thức là phải làm việc, phải lao động để có tác phẩm xứng đáng", nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải cho biết. Cũng theo bà, tham gia trại là cơ hội để các nhà văn được gặp nhau, cùng sinh hoạt, đọc sách của nhau. Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất, tác giả Tô Giang… còn đưa các tác phẩm chưa xuất bản cho bà đọc và nhờ cho nhận xét ý kiến.

Với tác phẩm "Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời", bà đã phải mất khoảng 10 năm mới hoàn thành, bởi nhân vật quá nhạy cảm và nhiều bí mật. Chỉ sau khi tác phẩm này đoạt Giải A cuộc thi viết tiểu thuyết và truyện ký "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần thứ nhất (1999-2002) thì bà mới hết "sống trong sợ hãi". Bà đề xuất: "Vấn đề "giải mật" cần phải được đặt ra và thực hiện đúng quy định".

Nhà văn Kim Quyên cũng chia sẻ niềm vui: "Hai tuần ở trại sáng tác là những ngày vui, bổ ích, có thêm nhiều điều lý thú. Chúng tôi càng phải cố gắng để có tác phẩm tốt nhất, hay nhất". Nhà văn Kim Quyên đang tiếp tục hoàn thiện tiểu thuyết "Một phút xao lòng", viết về công việc, cuộc sống của các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát hình sự. Các nhà văn Nguyễn Hiệp, Nguyễn Trí, Trịnh Thị Phương Trà, Võ Chí Nhất… cũng cùng ý nghĩ. Với họ, đây là "nợ ân tình" thôi thúc các nhà văn, tác giả làm sao để "trả nợ" bằng tác phẩm cho xứng đáng.

Nhà văn Nguyễn Hiệp đã hình thành đề cương tiểu thuyết mang tên "Thương khúc" viết về cuộc sống, sự hy sinh thầm lặng và những cuộc phá án ngoạn mục của Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Tiểu thuyết gồm 9 chương. Gần 2 tuần ở trại sáng tác, ông đã miệt mài viết gần như hoàn thành toàn bộ phần cơ bản của tiểu thuyết, sửa chữa hoàn chỉnh được 3 chương. Về nhà ông sẽ tiếp tục hoàn thành phần còn lại.

"Tôi viết khá chậm, viết gì cũng phải đắn đo, phải tìm hiểu kỹ. Tôi sợ nhiều thứ, tôi sợ khô cứng, sợ không thuyết phục… Cho đến giờ tôi có 19 đầu sách đã xuất bản. Lâu nay tôi luôn tâm niệm những gì thuộc về con người thì không xa lạ với những trang viết của tôi. Chính vì thế mà trong các trang viết của mình, tôi luôn chú ý đến các cung bậc cảm xúc, tình cảm, hơn là những chiến công, sự kiện. Nói cách khác là tôi muốn viết những cảm xúc, những cái thuộc về con người…", nhà văn Nguyễn Hiệp bộc bạch.

"Tên cuộc thi đã bao hàm những điều hay như thế"!

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà lần thứ 3 tham dự trại viết. Lần này chị thấy có nhiều nhà văn, tác giả trẻ hơn: "Tôi thấy hình ảnh của mình một thời qua các bạn trẻ ấy… Không quá kỳ vọng điều gì, tôi chỉ mong sẽ hoàn thành xuất sắc tác phẩm của mình''. Công trình mà chị ấp ủ là tiểu thuyết "Ranh giới vô hình" - viết về cuộc đấu tranh phòng chống ma túy với nhân vật chính là một nữ cảnh sát.

Tô Giang là một tác giả rất đặc biệt, lần đầu tiên tham dự trại sáng tác. Anh đã có khoảng thời gian sinh sống ở nước ngoài và bị trục xuất về nước do tham gia vào đường dây buôn bán cần sa ở Úc. Hành trình trở lại của anh đã được anh viết ra trong hai tác phẩm "Đường xanh viễn xứ" và "Nếu không có ngày mai". "Tôi tin vào thiện lương. Tôi từng vấp ngã và đứng lên. Sự có mặt ở trại viết lần này là niềm vinh dự của tôi và đó cũng là sự dũng cảm của Ban tổ chức khi đã mời tôi tham gia… Điều đó càng làm cho tôi phải cố gắng để có thêm tác phẩm hay, sống được trong lòng bạn đọc", Tô Giang chia sẻ.

Tô Giang muốn viết những thân phận hoàn lương, cuộc đời của các nữ phạm nhân, hoàn cảnh trớ trêu của người Việt ở nước ngoài trong vấn đề hôn nhân... sẽ hiện thực hóa bằng các tác phẩm sắp tới. Anh sắp hoàn thành cuốn tiểu thuyết "Tù nữ". Những ngày ở trại sáng tác, qua trò chuyện và góp ý của các nhà văn khác, cảm hứng trỗi lên, anh đã bắt tay vào viết thêm một tiểu thuyết khác mang tên "Hôn nhân giả". Đây là câu chuyện viết từ trải nghiệm của tác giả trong hành trình đi tìm "vùng đất hứa" nhiều cay đắng…

Buổi tọa đàm tại lễ bế mạc Trại sáng tác.

Buổi tọa đàm tại lễ bế mạc Trại sáng tác.

Nhà văn Lại Văn Long dự thi với tiểu thuyết "Thánh nữ". Ông chia sẻ, trong cuộc đời cầm bút 36 năm của mình ông cũng có chừng đó giải thưởng. Cái tên cuộc thi này tuy hơi dài nhưng nó lại bao hàm nhiều ý nghĩa. Vế thứ nhất "Vì an ninh Tổ quốc" khiến người cầm bút cần có trách nhiệm công dân của mình, phải là người yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, với Tổ quốc. Vế thứ hai - "Vì bình yên cuộc sống" người cầm bút phải viết làm sao để nhân dân ngày càng hạnh phúc, tham gia vào quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng phát triển xã hội để chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao hơn…

Theo Thượng tá Phạm Thị Mỹ Nương, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản CAND, trại sáng tác lần thứ 5 quy tụ 32 nhà văn, tác giả trong và ngoài ngành Công an đến từ nhiều địa phương trong cả nước, phần lớn đến từ phía Nam. Có nhiều nhà văn thành danh trên văn đàn đã tham gia và đoạt giải thưởng trong các kỳ thi viết tiểu thuyết và ký của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trước đây. Có 6 nhà văn, tác giả là cán bộ chiến sĩ đang công tác trong lực lượng CAND hoặc nguyên là sĩ quan Công an. Thành viên trẻ nhất trại sáng tác là tác giả Võ Đăng Khoa, sinh năm 2002, Thiếu úy, công tác tại Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Trong thời gian trại viết diễn ra, Ban tổ chức đã tổ chức 2 chuyến đi giao lưu, thực tế đến Trại giam Xuyên Mộc và Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tìm hiểu cuộc sống, công việc của các chiến sĩ Công an, giúp nhà văn có thêm chất liệu, cảm hứng để sáng tác. Trong hai tuần (từ ngày 12-26/4/2024), Nhà nghỉ dưỡng Phương Đông, TP Vũng Tàu đã trở thành ngôi nhà chung, thân tình ấm áp. Mỗi ngày ở trại đều sôi nổi, đầy ắp tiếng cười. Có 27 tiểu thuyết và 7 truyện ký đã hoàn thiện hoặc đang hoàn thiện, bội thu hơn cả dự kiến.

Theo Đại tá Trần Cao Kiều, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản CAND, Ủy viên thường trực Hội đồng cuộc thi, sau cuộc thi đầu tiên được phát động từ năm 1999, đến nay đã có 4 cuộc thi được tổ chức thành công, thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các nhà văn, các tác giả; gặt hái được nhiều thành tựu văn học chất lượng cao.

Những cuộc vận động sáng tác văn học không chỉ làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền chính trị sâu rộng về cuộc sống, chiến đấu và những gian khổ, hy sinh của người cán bộ chiến sĩ Công an mà còn giúp hình thành và phát triển vững chắc một mảng đề tài văn học liên quan đến lực lượng CAND, đồng thời cũng tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà văn, các cây viết tham gia sáng tác, các tác phẩm thuộc mảng đề tài này ra đời rất thu hút sự chú ý của độc giả.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/boi-thu-tac-pham-viet-ve-de-tai-vi-an-ninh-to-quoc-va-binh-yen-cuoc-song-i731487/