Bộ Y tế dừng công bố ca mắc COVID-19 mới tại các tỉnh, thành phố

Bộ Y tế dừng công bố ca mắc COVID-19 mới tại các tỉnh, thành phố; Biến thể phụ BA.5 của Omicron lây lan nhanh hơn biến thể cũ; Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố không từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO… là một số tin tức đáng chú ý diễn ra trong ngày 29/6.

Bộ Y tế dừng công bố ca mắc COVID-19 mới tại các tỉnh, thành phố

Chiều 29/6, Bộ Y tế cho biết, từ hôm nay, bản tin dịch về dịch COVID-19 sẽ được rút gọn, không cập nhật chi tiết ca nhiễm mới hằng ngày tại các tỉnh, thành phố.

Theo Bộ Y tế, từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10,745 triệu ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ 108.457 ca nhiễm/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Chinhphu.vn

Về điều trị ca mắc COVID-19, theo các sở y tế, hôm nay có 9.387 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Có 49 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó 6 ca thở máy xâm lấn, không có ca nguy kịch điều trị ECMO. Trong 24 giờ qua không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.087 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 24/227 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Theo Bộ Y tế, với việc Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối tiêm vắc xin tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ rằng đã được miễn dịch, bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vắc xin phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo.

Mặc dù số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên cả nước hiện đã giảm rõ rệt, nhưng các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những trường hợp phải điều trị tại bệnh viện do bệnh nặng và vẫn ghi nhận các ca tử vong do COVID-19; nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu COVID-19. Do đó, người dân cần tiêm đầy đủ các mũi vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan y tế để ngừa tái nhiễm và giảm nguy cơ nhập viện.

Biến thể phụ BA.5 của Omicron lây lan nhanh hơn biến thể cũ

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Ảnh: Báo Sức khỏe và đời sống).

Biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 tiếp tục có xu hướng tăng lên trên toàn cầu, đã được phát hiện ở lần lượt 62 và 58 quốc gia. Theo Bộ Y tế, với xu hướng giao thương đi lại tấp nập như hiện nay, việc các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Việt Nam là điều không thể tránh khỏi.’

Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hệ thống giám sát phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam đã liên tục phát huy việc giám sát và qua giải trình tự gen cho thấy, hiện đã có sự xâm nhập biến thể phụ BA.5 của Omicron vào nước ta. Biến thể này có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ (BA.1 và BA.2).

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng đã ghi nhận. Với sự giao lưu đi lại như hiện này, điều này là bình thường. Bộ Y tế tiếp tục giám sát để có điều chỉnh các biện pháp chống dịch an toàn, hiệu quả.

Tiến sĩ Sorroco Escalante, quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, khi virus tiếp tục lưu hành, chúng ta sẽ thấy xuất hiện nhiều biến thể mới. Các biến thể mới có thể dễ lây lan hơn và có thể gây ra bệnh nặng hơn. Các biến thể mới có thể dễ dàng lan truyền, đặc biệt là khi du lịch toàn cầu tăng lên.

"Các biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 tiếp tục có xu hướng tăng lên trên toàn cầu và đã được phát hiện lần lượt ở 62 và 58 quốc gia. Ở một số quốc gia, sự gia tăng các trường hợp mắc cũng dẫn đến sự gia tăng nhập viện và cần chăm sóc tích cực. Một điều cần khẳng định là COVID-19 không phải là một bệnh nhẹ. Ngay cả khi bạn khỏe mạnh, không có gì đảm bảo rằng khi mắc bệnh bạn sẽ bị nhẹ. Tiêm vaccine bao gồm cả liều nhắc lại giúp ngăn ngừa việc mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện và tử vong", Tiến sĩ Sorroco nhấn mạnh.

Về tính lây lan của hai biến thể phụ BA.4 và BA.5, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân cho biết, hiện nay, thế giới vẫn đang tiếp tục các đánh giá. Một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy, hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.

Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi.

"Để có được bức tranh đầy đủ hơn về biến chủng này. Chúng ta vẫn cần có những nghiên cứu bài bản hơn", Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân cho biết.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, biến thể phụ BA.5 thuộc biến thể Omicron, do đó, chúng có một số đặc điểm tương tự các biến thể phụ khác của Omicron là có khả năng lây lan cao. Đồng thời, dự đoán BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc COVID-19 và tạo ra một làn sóng dịch nhưng chưa phải là bùng phát dịch. Làn sóng dịch này sẽ nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây. Do đó, người dân cần cảnh giác nhưng không nên quá lo lắng với biến thể phụ này.

Theo các chuyên gia y tế, đến nay, ngưỡng miễn dịch, ngưỡng bảo vệ của kháng thể chưa xác định được. Tuy nhiên, người đã mắc và đã tiêm vaccine kháng thể tăng rất cao, thời gian bảo vệ lâu hơn. Tương tự các biến thể phụ Omicron trước, BA.5 có khả năng né tránh vaccine một phần. Tuy nhiên, vaccine vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn biến nặng và tử vong đối với người nhiễm BA.5.

Vì vậy, người dân cần đi tiêm chủng vaccine khi có chỉ định. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại thứ 2) khi đã qua 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi 3…

Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố không từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO

Ngày 29/6, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố Kiev không từ bỏ kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Ukraine Kuleba phát biểu trong một cuộc phỏng vấn phát ngày 29/6 của đài phát thanh RFI rằng Ukraine không xem xét lại lập trường của mình đối với việc gia nhập NATO.

Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba. Ảnh: NCBC

Trong cuộc phỏng vấn, người đứng đầu ngành ngoại giao Ukraine tỏ ý không nhất trí với ngôn từ của người dẫn chương trình rằng Kiev đã từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Ông Kuleba lưu ý: “Tại sao không? Vấn đề gia nhập NATO đã được ghi trong Hiến pháp Ukraine… Bên cạnh đó, cấu trúc của liên minh này là cơ chế an ninh hiệu quả nhất tại không gian châu Âu”.

Song theo Ngoại trưởng Kuleba, “chỉ mong muốn của chúng tôi là không đủ để gia nhập NATO. Điều cần thiết là liên minh này cũng phải muốn điều đó. Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một quyết định lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng kể từ đầu cuộc chiến (với Nga) tới nay, NATO không triển khai bất kỳ bước đi nào hướng tới việc gia nhập của Ukraine”.

Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập NATO, thậm chí đưa mục tiêu trở thành thành viên khối này vào trong Hiến pháp sửa đổi năm 2019. Ukraine hiện không phải là thành viên của NATO hay Liên minh châu Âu nhưng nước này trước đây đã bày tỏ mong muốn gia nhập cả hai liên minh.

Tham vọng gia nhập NATO và EU của Ukraine đã có từ nhiều năm qua và Kiev thậm chí đã đưa mục tiêu này vào Hiến pháp của họ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Ukraine vào NATO khó xảy ra trong tương lai gần, trong khi Kiev có thể phải mất nhiều năm nữa mới chính thức gia nhập EU dù đã có tư cách ứng viên.

Khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2, Moscow đã tuyên bố chiến dịch chỉ kết thúc khi Kiev cam kết trung lập, không gia nhập NATO, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ và phải công nhận bán đảo Crimea thuộc chủ quyền của Nga…/.

PC (tổng hợp)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/nong-trong-ngay/bo-y-te-dung-cong-bo-ca-mac-covid-19-moi-tai-cac-tinh-thanh-pho-614201.html