Bộ Y tế chỉ đạo chống dịch bệnh bạch hầu tại Đắk Nông
Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bệnh bạch hầu, Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác để chỉ đạo, hỗ trợ Đắk Nông phòng chống dịch.
Ngành Y tế Đắk Nông tổ chức điều trị dự phòng cho hàng ngàn người dân. Ảnh: TL.
Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 6 tới nay, huyện Krông Nô và Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Trước tình hình này, Bộ Y tế tổ chức đoàn công tác làm việc về công tác phòng chống dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
"Dự kiến chiều 28/6, đoàn công tác sẽ tới kiểm tra thực tế tại cộng đồng dân cư nơi có dịch bạch hầu và các cơ sơ y tế có liên quan. Đến ngày 29/6, đoàn công tác sẽ làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông để tăng cường công tác phòng chống dịch bạch hầu" - ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ.
Liên quan đến việc dịch bệnh bạch cầu bùng phát tại Đắk Nông, vào đầu tháng 6/2020, tại Trung tâm trẻ mồ côi Ngôi nhà may mắn (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) ghi nhận 3 cháu nhỏ và 1 người thân của 1 cháu bị bệnh bạch hầu.
Tiếp đó, ngày 19/6, cháu Sùng Thị H. (9 tuổi, ngụ xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long) bị bệnh bạch hầu và tử vong vào sáng 20/6. Tại xã này phát hiện thêm 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu là hàng xóm, bạn học của cháu H.
Đến ngày 20/6, tại xã Đắk Rmăng, huyện Đắk G’long, tiếp tục phát hiện bệnh nhân Giàng A Ph. (13 tuổi) dương tính với bệnh bạch hầu. Ngay sau đó, ngàng Y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch và khám sàng lọc thì phát hiện thêm 2 trường hợp là ông Giàng A P. (40 tuổi) và cháu Thào A T. (10 tuổi) dương tính với bạch hầu.
Ngoài 1 cháu nhỏ đã tử vong, hiện còn 2 trường bị bệnh nặng, đang được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) tích cực chữa trị. Số còn lại sức khỏe đang ổn định. Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã và đang cách ly hơn 1.200 người dân và điều trị dự phòng bạch hầu.
Sáng ngày 25/6, ông Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, cho biết đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh ghi nhận 12 ca dương tính với bệnh bạch hầu tại 3 ổ dịch. Công tác phòng chống dịch bệnh đang được ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheria gây ra.
Vi khuẩn bạch hầu tiết ra các độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da.
Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh.