Bộ trưởng Y tế trả lời phản ánh của cử tri về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện công
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa trả lời một số kiến nghị của cử tri liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập.
Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ
Theo đó, cử tri TP Đà Nẵng phản ánh, vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; dẫn đến việc người dân phải chịu chi phí khám chữa bệnh rất cao và phải mua thuốc trong danh mục BHYT tại các cơ sở y tế tư nhân, gây tốn kém và khó khăn cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế. Cử tri kiến nghị sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Trả lời cử tri, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thời gian vừa qua, nguồn cung ứng thuốc, thiết bị y tế cơ bản đảm bảo cho cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh và ngoài thị trường bán lẻ.
Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do vẫn tồn tại một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại Châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu như Albumin, Globulin…; bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm…).
Việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn…) do không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.
Bộ trưởng Y tế thông tin, ngày 27/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đã được ban hành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế.
Bộ Y tế thấy rằng việc ban hành Thông tư hướng dẫn đối với Nghị định số 24/2024/NĐ-CP là vô cùng cần thiết để các đơn vị, địa phương có cơ sở pháp lý cụ thể, thống nhất và đồng bộ trong thực hiện các hoạt động đấu thầu mua sắm.
Theo đó, Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các Thông tư hướng dẫn chi tiết, dự kiến sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.
Cùng với đó Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện và ban hành các Thông tư hướng dẫn bao gồm: Thông tư số 03/2024/TT-BYT ngày 16/4/2024 ban hành danh mục thuốc có ít nhất 03 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và về chất lượng, giá, khả năng cung cấp; Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định Danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc;
Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định Danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Các Thông tư này giúp các bệnh viện và cơ sở y tế có cơ sở pháp lý cụ thể để triển khai hoạt động đấu thầu, mua sắm, góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại và nâng cao hiệu quả cung ứng thuốc, thiết bị y tế.
Triển khai nhiều biện pháp đồng bộ
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin thêm, để tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện; triển khai nhiều biện pháp đồng bộ.
Thứ nhất, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật quan trọng như:
Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 09/1/2023 của Quốc hội về việc cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành.
Thứ ba, phối hợp với các tổ chức quốc tế: Tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để viện trợ một số loại thuốc rất hiếm;
Thứ tư, Bộ Y tế cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cán bộ y tế tại các cơ sở và địa phương về quy trình đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, nhằm nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ y tế trong việc quản lý và đảm bảo nguồn cung ứng.
Việc rà soát và hoàn thiện các cơ chế, chính sách này đã góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo bệnh nhân được chữa trị kịp thời, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân./.
Về kiến nghị của cử tri liên quan đến viêc nghiên cứu, ban hành một cơ chế thật thuận lợi, nhanh chóng, công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Bộ Y tế cho biết, triển khai các quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn và mẫu hồ sơ mời thầu mua thuốc qua mạng, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thiết kế phần mềm đấu thầu thuốc trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và thuận tiện cho các đơn vị trong công tác tổ chức đấu thầu thuốc.