Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trao đổi cụ thể, giải đáp cặn kẽ từng nhóm đề xuất, kiến nghị của Bà Rịa – Vũng Tàu

(TN&MT) - Như tin Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã đưa, sau hơn 3 giờ đồng hồ làm việc liên tục, trao đổi cụ thể, giải đáp cặn kẽ nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn, buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ TN&MT với Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kết thúc thành công vào lúc 19h tối ngày 29/11/2017.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Văn phòng Bộ đã lắng nghe, chia sẻ, trực tiếp trao đổi, giải đáp những phản ánh của Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối với Bộ TN&MT với mục đích nhằm sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh hiện nay cụ thể là 15 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực đất đai, 9 nhóm vấn đề lĩnh vực địa chất và khoáng sản, 4 nhóm vấn đề trọng tâm thuộc lĩnh vực biển và hải đảo, 9 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực môi trường.

Đối với phản ánh thực trạng khó khăn trong việc đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết: Việc quy định về đất sạch đã được luật quy định rõ. Tuy nhiên, vấn đề địa phương đang gặp khó khăn là chưa xác định cụ thể được vấn đề cho doanh nghiệp đền bù, giải phóng mặt bằng để tiến hành đấu giá. Do vậy, địa phương cần phải xem xét kỹ việc quy hoạch, kế hoạch sử ụng đất hàng năm. Theo đó, đất công nếu sử dụng vào mục đích kinh doanh đều phải chuyển mục đích sử dụng đất. Trong trường hợp nhà đầu tư tự nguyện bỏ tiền giải phóng mặt bằng thì đất đó là đất sạch, không tổ chức đấu giá nữa. Trường hợp địa phương giải phóng mặt bằng thì sẽ tổ chức đấu giá. Trường hợp đã tổ chức đấu giá nhưng không có đơn vị nào tham gia thì tỉnh sẽ làm kế hoạch giao đất. Tuy nhiên, để để đấu giá thành công thì tỉnh cần xây dựng phương án cụ thể, thể hiện rõ được mục đích đấu giá và diện tích đất đấu giá.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với vấn đề dư luận hiện đang quan tâm là việc nạo vét nhận chìm ở biển, ông Vũ Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho biết: Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có chủ trương và quy hoạch nạo vét và nhận chìm ở biển. Do vậy, những hồ sơ nằm trong phần đã được tỉnh quy hoạch thì tiến hành triển khai rất thuận lợi. Nhưng những hồ sơ xin nhận chìm biển nằm ngoài vùng quy hoạch của tỉnh thì phải xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Ngoài ra, tỉnh cũng cần phải xác định và lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, chịu trách nhiệm về việc nạo vét cho cả khu vực. Cần phải có đánh giá tác động môi trường cho cả khu vực với thời hạn dài 10-20 năm.

Về kiến nghị hỗ trợ 03 Dự án về biến đổi khí hậu, ông Đặng Ngọc Điệp, Phó Chánh Văn phòng Bộ TN&MT giải đáp: Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu. Nhiều khu vực bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Mặc dù, Bộ TN&MT đã quan tâm đưa vào danh sách để được Trung ương hỗ trợ triển khai các dự án phòng chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ là ưu tiên cho các tỉnh có thu nhập bình quân thấp, gặp nhiều khó khăn hơn. Do vậy, các dự án của Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất tạm thời chưa được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Trình - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại buổi làm việc

Giải thích về những khó khăn trong đấu giá và vận chuyển khoáng sản ra ngoài địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam cho biết: Để gỡ khó cho địa phương, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam sẽ tham mưu Bộ TN&MT đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, quyết định cho từng trường hợp cụ thể trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đồng tình với quan điểm của Lãnh đạo Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên xem xét việc chọn giao cho một đơn vị có đầy đủ điều kiện và chức năng về nạo vét nhận chìm ở biển, để có thể lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chung cho toàn tỉnh. “Từ đó, mới có thể kiểm soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ được việc nạo vét, nhận chìm trên biển có đúng luồng, đúng tuyến, đúng với ĐTM đã được phê duyệt không. Theo tôi, việc lập ĐTM nạo vét và nhận chìm ở vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu cần có tầm nhìn trong khoảng 20 năm tới” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Ông Lê Thanh Khuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (giữa) đang giải đáp những kiến nghị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đối với những vướng mắc trong thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý những những dự án đã hết hạn, thuộc diện phải thu hồi là thuộc thẩm quyền của tỉnh. Tuy nhiên, khi triển khai vấn đề này cần phải cân nhắc kỹ trên cơ sở xem xét, đánh giá đầy đủ toàn bộ hồ sơ, để từ đó lên các phương án giải quyết bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan như giải quyết đền bù tài sản trên đất khi thu hồi, từ đó có phương án đấu giá quyền sử dụung đất cho các nhà đầu tư tiếp sau có đủ năng lực để tiếp tục triển khai dự án có hiệu quả. Đặc biệt, đối với những khu đất có giá trị cao, được gọi là “đất vàng”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải xem xét thật kỹ năng lực tài chính của nhà đầu tư trước khi quyết định giao đất, để bảo đảm hiệu quả của việc sử dụng đất, tránh tình trạng giao đất cho nhà đầu tư kém năng lực, không có khả năng triển khai dự án, dễ dẫn đến “dự án treo”, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên đất; đồng thời bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi của quy hoạch sử dụng đất đã được tỉnh phê duyệt.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu

Đối với nhóm vấn đề môi trường mà Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã khẳng định rất rõ việc không hy sinh môi trường vì lợi ích kinh tế. Đặc biệt đối với một địa phương đang bứt phá và có tốc độ phát triển mạnh về kinh tế - công nghiệp hiện nay, Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần xem xét, nghiên cứu việc nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ môi trường. “Chúng ta phải yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc tuân thủ luật Bảo vệ môi trường; đồng thời kiên quyết không hạ thấp quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp trước khi họ quyết định đầu tư. Nếu doanh nghiệp không chấp nhận được các tiêu chí cao về bảo đảm môi trường mà chúng ta đưa ra thì họ có quyền cân nhắc có nên đầu hay không” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải nghiêm khắc yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải và nước thải tập trung trong các khu công nghiệp trước khi xả thải ra môi trường, làm được như vậy mới có thể kiểm soát tốt, kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên việc xả thải, đổ thải của doanh nghiệp.

Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam phát biểu

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ông hoan nghênh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về môi trường để bắt buộc các doanh nghiệp phải lựa chọn loại hình, lĩnh vực đầu tư không ô nhiễm, thân thiện môi trường. “Việc quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường ở Bà Rịa – Vũng Tàu có thể cao hơn chuẩn quốc gia, nhưng là phù hợp với các quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, vì ở những địa phương, những vùng nào hiện mức độ ô nhiễm môi trường đã và đang vượt ngưỡng cảnh báo, thì chúng ta hoàn toàn có thể xem xét để nâng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm cụ thể. Ô nhiễm môi trường càng cao thì chúng ta phải áp đặt quy chuẩn cao hơn để kéo giảm ô nhiễm” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Ông Vũ Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam phát biểu

Ông Đặng Ngọc Điệp - Phó Chánh Văn phòng Bộ TN&MT phát biểu

Áp dụng cơ chế, chính sách đổi đất lấy cơ sở hạ tầng (Dự án PP, BT) để giải quyết thủ tục đất đai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai không quy định cách thức, thủ tục thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Theo đó, chỉ quy định về việc quản lý, sử dụng diện tích đất để thực hiện dự án BT. Cụ thể tại khoản 1 Điều 54 Nghị định số 43: “Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT); nhà đầu tư không phải trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng công trình theo dự án được phê duyệt và có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao quản lý, sử dụng theo đúng mục đích đã ghi trong dự án.

Việc chuyển giao công trình và quỹ đất của dự án phải thực hiện đúng theo thời hạn ghi trong dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc thời hạn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép kéo dài thời hạn chuyển giao. Trường hợp quá thời hạn phải chuyển giao mà nhà đầu tư chưa chuyển giao thì phải thuê đất của Nhà nước, thời điểm thuê đất được tính từ thời điểm kết thúc thời gian xây dựng công trình theo dự án đã được phê duyệt”.

Về cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT) đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 và được Bộ Tài chính hướng dẫn tại thông tư số 183/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015.

Đối với quỹ đất để thanh toán giá trị dự án BT thuộc trường hợp đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng (theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư để xác định giá trị quỹ đất thanh toán). Như vậy, theo quy định này thì không phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Nhưng theo quy định tại tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp quy định về Quỹ đất được sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất gồm:

“1. Đất Nhà nước thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai; thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai;

2. Đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước;

3. Đất do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Tổ chức phát triển quỹ đất được giao quản lý mà Nhà nước chưa giao hoặc cho thuê để sử dụng theo quy định của pháp luật;

4. Đất do các tổ chức được giao để quản lý theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 8 của Luật Đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao, cho thuê để sử dụng theo quy định của pháp luật.”

Quỹ đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng để thanh toán giá trị dự án BT theo quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ thuộc quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Thông tư số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015.

Việc thực hiện các thủ tục nêu trên sẽ gặp vướng mắc như sau:

- Thứ nhất: Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất sẽ thực hiện theo quy định nào. Vì Luật đất đai quy định việc thu hồi đất chỉ áp dụng tại Điều 61, Điều 62 (nếu theo các điều này thì không có căn cứ).

Trường hợp áp dụng cho chỉnh trang đô thị thì có thể xem xét thu hồi. Tuy nhiên đối với các dự án khác thì không thể thực hiện.

- Thứ hai: Theo Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg, quỹ đất dùng cho thanh toán BT thì đã rõ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 118, Điều 119 của Luật Đất đai thì phải đấu giá quyền sử dụng đất để giao, cho thuê.

a. Cách giải quyết của các tỉnh:

Tỉnh Bình Thuận, Tỉnh Đồng Nai, Tỉnh Bình Dương: chưa thực hiện việc thu hồi đất để giao đất, cho thuê cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT).

b. Ý kiến đề xuất: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét các vướng mắc trên và có hướng dẫn thực hiện.

Bài & ảnh: Việt Hùng – Linh Nga

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/thoi-su/201711/bo-truong-tran-hong-ha-trao-doi-cu-the-giai-dap-can-ke-tung-nhom-de-xuat-kien-nghi-cua-ba-ria-vung-tau-2866912/