Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại 3 thách thức khiến nông nghiệp Việt Nam khó bứt phá
Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu mảnh ruộng nhỏ. Đó là một thách thức vô cùng lớn khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng lớn, tập trung. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm cho hiệu quả kinh tế thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường Ảnh: TTXVN
Hội nghị về "Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” vừa được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, chưa khi nào ngành nông nghiệp được sự quan tâm, chỉ đạo như vừa qua. Tất cả các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ... được các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp xúc tiến, chỉ đạo như giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 thách thức lớn: một là nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ, cho đến giờ phút này chúng ta có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ. Đó là một thách thức vô cùng lớn khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng lớn, tập trung. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm cho hiệu quả kinh tế thấp.
Thứ hai, Việt Nam đang đứng trước thách thức biến đổi khí hậu. Riêng 2017 thiệt hại do thiên tai gây ra tới 1,5% GDP, và nửa đầu năm 2018 đã tới hơn 30.000 tỷ đồng cho thấy tổn thương đối với nền kinh tế nói chung và trong đó riêng khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ đối tượng tổn thương đầu tiên và nặng nề nhất.
Cần tích tụ ruộng đất để tiến hành sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Ảnh: Duy Khương-TTXVN.
Thách thức thứ ba là hội nhập, nông sản Việt Nam tự hào xuất khẩu đi 180 nước trên toàn cầu, nhưng ở mặt trái nông nghiệp Việt Nam phải chịu một áp lực cực lớn khi một số FTA thực hiện, thị trường nội địa cũng bị đe dọa nếu không tổ chức một giải pháp sản xuất tốt nhất.
Trước những thách thức trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phải tái cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng tập trung, hàng hóa, chuỗi giá trị, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập sâu rộng.
Nông nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm đầu tư vào nông nghiệp. Thứ nhất, thị trường nội địa gần 100 triệu dân, một thị trường khổng lồ, GDP đầu người là 2.400 USD, với một tốc độ nền kinh tế tăng trưởng 6-7%.
Thứ hai thị trường thế giới với 7,5 tỷ dân, giá trị nông sản toàn cầu vào khoảng 2.000 tỷ USD/năm, với sự tăng trưởng 4-5%. Việt Nam đã tham gia chuỗi nông sản toàn cầu đứng thứ 16.
Về không gian phát triển, Việt Nam có đồng bằng sông Cửu Long 4 triệu ha, một dư địa rất lớn về tổng quan để sản xuất 3 mặt hàng cho thế giới và Việt Nam là thủy sản, lúa gạo và trái cây.
Việt Nam có 5 triệu ha cao nguyên Tây Nguyên đủ sức phát triển rừng bền vững, kèm theo đó là một thế mạnh về cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả và cây rau đặc thù của Việt Nam mà thế giới rất cần.
Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu được tới 180 nước. Ảnh: TTXVN
Kèm theo đó, nước ta trải dài 15 vĩ độ, ¾ là núi và cao nguyên do đó Việt Nam đa dạng sinh học, các giống đặc sản Việt Nam rất nhiều.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 490 về phát triển các nông sản, đặc sản Việt Nam, số liệu thống kê ban đầu là 3.000 và trong 3 năm phấn đấu đến năm 2020 chúng ta xây dựng được 2.400 nông sản đặc sản của Việt Nam. Đây là một thế rất mạnh để doanh nghiệp lựa chọn, tập trung đầu tư vào.
Thế mạnh thứ hai là Việt Nam tự hào về đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân rất giỏi, 2 năm vừa qua số doanh nghiệp nông nghiệp đã tăng từ 3.600 lên hơn 7.000.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, trong 2 năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành không dưới 10 nghị định, từng cơ chế, chính sách, Nghị định 57 vừa ban hành để ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, Nghị định 58 về bảo hiểm, Nghị định 98 về liên kết chuỗi... một loạt các Nghị định, thông tư. Chưa khi nào, với thời gian ngắn lại ra đời được nhiều văn bản, chính sách như vậy.