Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: 'Chính sách đặc biệt thì thủ tục phải đặc biệt'

Tiếp thu bài học từ thực thi Nghị quyết 43, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chương trình đặc biệt thì phải có chính sách, thủ tục đặc biệt, quy trình đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: quochoi.vn

Chiều ngày 26/5, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo, với Nghị quyết 43, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các ngành, các địa phương đã hết sức cố gắng, nỗ lực, chưa bao giờ làm quyết liệt như thế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận các vấn đề đại biểu đã nêu, cũng như đã được phân tích trong Báo cáo giám sát của Quốc hội, đó là còn chậm trễ trong thực hiện.

Theo Bộ trưởng, nhiều đại biểu đặt vấn đề rất đúng là tại sao thủ tục cứ vướng mãi, kỳ họp nào cũng nói, đó là thực tế.

"Kinh nghiệm, năng lực của chúng ta còn hạn chế, phối hợp giữa các cơ quan còn bất cập và chưa tốt. Bên cạnh đó thì tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong thời gian gần đây cũng là nguyên nhân làm cho các kết quả thực hiện một số chính sách còn chậm, một số chính sách chưa hiệu quả, một số chính sách chưa thực hiện được," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cụ thể, về các dự án giải ngân chậm, bộ trưởng cho biết danh mục dự án ban đầu để xin chủ trương của Quốc hội chỉ là danh mục dự kiến, xác định số vốn cần thiết, dù đã được làm rất bài bản.

Vì vậy đến khi Quốc hội cho chủ trương thì lại phải rà lại. Điều này dẫn tới sự thay đổi, khiến nhiều danh mục dự án phải điều chỉnh lại và mất thêm thời gian.

Chương trình cũng thực hiện trong thời gian ngắn và thủ tục phức tạp, nhưng lại muốn tập trung "trọng tâm trọng điểm" các dự án lớn, nên việc chuẩn bị càng kéo dài. Các dự án này thời gian mất từ 1 đến 2 năm, trong khi tổng thời gian chương trình là 2 năm nên không thể chuẩn bị kịp, "chắc chắn là chậm", Bộ trưởng đánh giá.

Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng cho hay sẽ đôn đốc 8 dự án chưa hoàn thành thủ tục và 35 dự án chưa triển khai. Với những dự án đang thực hiện sẽ đẩy nhanh tiến độ, triển khai thi công và khai thác hiệu quả.

5 bài học kinh nghiệm

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh những bài học rút ra trong quá trình triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, phải xem lại các phương thức hỗ trợ cho phù hợp. Nhiều nước hỗ trợ ngay bằng tiền mặt cho người dân, kích cầu tiêu dùng ngay.

Bộ trưởng dẫn chứng, các nước sẽ hỗ trợ ngay bằng tiền mặt cho người dân, có thể 1.500 - 2.000 USD/người mang lại hiệu quả trực tiếp.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Việt Nam là các hỗ trợ chính sách, rồi lại chờ văn bản hướng dẫn, giám sát, quy trình, dẫn tới khi thực hiện xong thủ tục thì gói hỗ trợ đã hết giờ, không còn hiệu quả,không còn tính thời sự.

Thứ hai, thời gian của chương trình ngắn thì không nên đưa các dự án lớn vào, hoặc phải cho kéo dài cái thời gian thực hiện ra.

Thứ ba, theo Bộ trưởng, các chính sách phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thống nhất, dễ làm, dễ giám sát, dễ thực hiện.

"Việc hoàn thiện thể chế về căn cơ, đồng bộ và thống nhất, không để gỡ chỗ này thì lại vướng chỗ kia. Đặc biệt, Chương trình đặc biệt thì phải có chính sách, thủ tục đặc biệt, quy trình đặc biệt, chứ không cái gì cũng phải xin cơ chế, thì không còn thời gian thực hiện," Bộ trưởng cho hay.

Thứ tư, xây dựng chính sách pháp luật thì phải dựa trên niềm tin giữa Trung ương, địa phương ở trên, cấp dưới, cấp trên. Tiếp tục phân cấp phân quyền hơn, kể cả Trung ương đối với địa phương và kể cả Quốc hội đối với Chính phủ.

Bộ trưởng lấy ví dụ, danh mục đầu tư trong Chương trình Phục hồi, Bộ trưởng cho rằng, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết và chịu trách nhiệm, báo cáo Quốc hội sau khi đã được phê duyệt chủ trương.

Hiện tại, Quốc hội quy định là mỗi một lần xong được thủ tục lại phải chỉnh lại Quốc hội, nếu mà giữa hai kỳ họp thì báo cáo Ủy ban thường vụ, nên mất rất nhiều thời gian.

"Quốc hội tập trung làm những vấn đề lớn, quyết sách rồi là làm thể chế, giám sát, những vấn đề chi tiết trong điều hành nên giao lại cho Chính phủ thì sẽ nhanh và Quốc hội vẫn quản lý được mục tiêu," Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần phải trách nhiệm của cơ quan người đứng đầu trong tổ chức xây dựng chương trình, thực hiện và phối hợp với nhau.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-chinh-sach-dac-biet-thi-thu-tuc-phai-dac-biet-post34977.html