Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: Mỗi doanh nghiệp phấn đấu trở thành một trường nghề
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, 1 trong 5 giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực là kết nối doanh nghiệp đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu thành 1 trường nghề
Trong Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn chiều ngày 07/11, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đối với lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục nghề nghiệp.
Học sinh học nghề ngoài công lập được hưởng đầy đủ chính sách miễn, giảm học phí
Phát biểu tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề cập: “Tôi xin hỏi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Hiện nay, Nghị định số 81/2021 chưa có quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với loại hình dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho đối tượng học sinh trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý để xác định mức thu học phí.
Do đó, các trường nghề rất lúng túng, các địa phương cũng chưa biết áp dụng ra sao, học sinh học trường nghề ngoài công lập có được áp dụng không? Như báo chí hôm trước đã có bài viết “Mòn mỏi chờ hoàn trả học phí trường nghề ngoài công lập” đã phản ánh một phần thực tế vấn đề này”.
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Theo tinh thần Nghị định 81/2021 đối tượng các trường ngoài công lập, học sinh học nghề hoàn toàn được hưởng đầy đủ các chính sách miễn, giảm học phí như học sinh học nghề ở trong các cơ sở công lập.
Thứ hai, một số địa phương đang có cách hiểu khác nhau, vì hiện nay các trường nghề theo tinh thần Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư cũng như Nghị quyết chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, chúng ta đã cho phép học sinh trung học cơ sở học song song, vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như thực hiện tinh thần Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị, cũng là một cơ hội, một mục tiêu và một giải pháp để phân luồng nhanh, tăng cường người học nghề lên.
Trong Nghị định 81, quy định vấn đề này rất rõ rồi. Chúng tôi đề nghị sau kỳ họp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra vấn đề này, có vấn đề gì khúc mắc thì chúng tôi sẽ hướng dẫn địa phương thực hiện. Tuy nhiên, tôi xin trả lời là các cháu sẽ hoàn toàn được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định”.
Kết nối doanh nghiệp đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu để trở thành một trường nghề
Đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang quan tâm đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Cụ thể, vị đại biểu cho biết: “Một trong những tồn tại, hạn chế trong báo cáo kinh tế - xã hội nhiều năm đã chỉ ra chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động thấp, không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Theo Báo cáo của Chính phủ, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, trách nhiệm của Bộ và giải pháp trong thời gian tới?”.
Câu hỏi này được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời: “Năng suất lao động là một trong các chỉ tiêu vừa qua chúng ta không đạt, 2-3 nhiệm kỳ đều khó khăn trong vấn đề này. Để nâng cao năng suất lao động, ngoài quản lý nhà nước tôi thấy có 4 vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, công nghệ đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động.
Thứ hai, vốn, nhiều vốn và vốn chất lượng cao rất quan trọng, sẽ giúp các quốc gia xây dựng nền tảng sản xuất và chế biến.
Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là yếu tố nền tảng, nhất là về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và ý thức tổ chức của người lao động.
Thứ tư, kinh nghiệm cho thấy các quốc gia phát triển, năng suất lao động cao thường là tỉ lệ lực lượng lao động phi chính thức thấp”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết: “Sau kỳ họp Quốc hội trước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phân công rất rõ ràng là đề án về nâng cao năng suất lao động, giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ về nâng cao năng suất và đặc biệt là đào tạo chất lượng cao thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, về hệ thống đào tạo trường nghề và giáo dục thì chúng tôi cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đại biểu nêu rất rõ những hạn chế của chúng tôi, xin báo cáo lại là hiện nay toàn bộ các trường nghề ở địa phương quản lý nhà nước trực tiếp và chủ quản, hiện nay 99 trường thì do các Bộ, ngành quản lý trực tiếp, chủ quản.
Còn chúng tôi thì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và trách nhiệm của chúng tôi là có trách nhiệm quản lý nhà nước, chủ yếu là tham mưu xây dựng các chủ trương, các chính sách, kiểm tra, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra,... và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Chúng tôi đã tham mưu để Ban Bí thư có Chỉ thị 21 ngày 4/5/2023, Nghị quyết của Quốc hội vừa rồi cũng đã giao nhiệm vụ rất rõ ràng, tham mưu cho Chính phủ để ban hành chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, ban hành quy hoạch giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, chúng tôi đang phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng đề án chất lượng cao”.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng thông tin thêm, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào 5 giải pháp căn bản: “Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức để tạo sự ủng hộ của xã hội, các bậc cha mẹ, người học, nhất là người học, học ra trường phải có nghề, có thu nhập và được học liên thông nếu có nhu cầu.
Hai là, sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới.
Ba là, chuyển đổi cơ cấu lao động.
Bốn là, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Năm là, kết nối doanh nghiệp đào tạo kép, mỗi doanh nghiệp phấn đấu để trở thành một trường nghề. Đây là kinh nghiệm của các nước phát triển, đặc biệt là các nước có trình độ cao như Đức, Úc hay một số quốc gia coi doanh nghiệp là trường nghề. Đây là một yếu tố bắt buộc”.
Chủ trương xây dựng mô hình liên kết giữa viện - trường - doanh nghiệp
Quan tâm đến lĩnh vực khoa học công nghệ, Đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nêu: “Kết quả giữa kỳ cơ cấu lại nền kinh tế và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy nhiều vấn đề cần quan tâm trong gắn kết nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn yếu. Nhiều kết quả nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được, chưa hoàn thiện về công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới qua giám sát, đến nay mới lựa chọn được nhiệm vụ khoa học, chưa ký hợp đồng, giao kinh phí thực hiện.
Xin cho biết nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả nêu trên? Trách nhiệm và giải pháp trọng tâm của Bộ trưởng nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng theo tinh thần của Chính phủ đã thể hiện khi xây dựng dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này”.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: “Câu hỏi này đã nêu ra những vấn đề mà chúng tôi đã và đang trăn trở.
Thứ nhất, liên quan đến gắn kết giữa nghiên cứu và ứng dụng, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trương làm việc với các các địa phương, các viện, các trường để có sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học của các trường và gắn với nhu cầu của địa phương. Chúng tôi cũng đề ra chủ trương là tất cả những nhiệm vụ khoa học mang tính ứng dụng đều phải có sự tham gia của các đội ngũ nghiên cứu khoa học ở các trường phối hợp với địa phương để cùng nhau xây dựng những chương trình nghiên cứu để giải quyết được những vấn đề, những yêu cầu bức thiết của địa phương.
Thứ hai, về liên kết giữa các viện, trường và doanh nghiệp, đây là một mô hình mà ở các nước khác ứng dụng rất hiệu quả. Ví dụ, Hà Lan có mô hình gồm Nhà nước, doanh nghiệp và trường, viện. Nhà nước là nơi tạo môi trường, hệ sinh thái và thể chế. Trường, viện là nơi nghiên cứu. Doanh nghiệp là nơi thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo. Hiện nay, chúng ta cũng đang có chủ trương để xây dựng mô hình này trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.
Về ứng dụng vào nông nghiệp, thời gian qua, ngành khoa học, công nghệ có đóng góp rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo thống kê trong thời gian qua, khoa học, công nghệ đã đóng góp 30% trong sự phát triển của ngành nông nghiệp. Để liên kết giữa ngành khoa học với ngành nông nghiệp, vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có một ký kết phối hợp hoạt động giữa hai bộ để cùng triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp.
Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Tạ Minh Tâm về kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cho chương trình nông thôn mới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ làm việc với Bộ Tài chính để bàn bạc, trao đổi, bố trí kinh phí này cho chương trình”.