Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tắt mạng 2G vào năm 2022
Theo Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022, giúp nhà mạng tiết kiệm chi phí vận hành và dành tần số, nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới.
Lý do tắt sóng mạng 2G là do hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990; IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE-A (4G) triển khai từ 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020.
Cùng với việc đưa ra lộ trình tắt sóng 2G, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động gồm: VNPT, MobiFone, Viettel. Trong đó, VNPT, MobiFone đang triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị 5G thử nghiệm trên thực địa và thử nghiệm trong năm 2019.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng đã khẳng định, sẽ xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020. Như vậy, nếu triển khai thương mại mạng 5G vào năm 2020 thì từ năm 2021, trên mạng viễn thông Việt Nam tồn tại đồng thời 4 công nghệ di động. Việc duy trì cùng lúc 4 công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, khai thác 4 mạng công nghệ di động riêng biệt, gây tốn kém cho doanh nghiệp, tài nguyên tần số bị chia nhỏ. Đồng thời, doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới.
Theo đề xuất của Cục Viễn thông, việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G trong thời gian tới.
Số thuê bao điện thoại di động năm 2019 hiện đạt hơn 125 triệu, giảm 3,6%. Số thuê bao băng rộng có sự gia tăng đáng kể, trong đó thuê bao di động băng rộng (3G, 4G) đạt hơn 61,3 triệu thuê bao, chiếm hơn 48 %; số còn lại hiện vẫn dùng công nghệ 2G.